,

Kinh doanh bền vững là xu thế tất yếu

ESG là một bộ tiêu chuẩn quốc tế dùng để đo lường những yếu tố liên quan đến hoạt động phát triển bền vững của một doanh nghiệp trên 3 khía cạnh: môi trường, xã hội và quản trị. Trong những năm gần đây, ESG đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam. Động lực chủ yếu đến từ yêu cầu nhu cầu từ thị trường, nhà đầu tư và định hướng quốc gia chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải các-bon thấp.

Thực hiện ESG có thể hiểu đơn giản là doanh nghiệp đặt lợi ích kinh tế lên bàn cân với lợi ích môi trường – xã hội – quản trị. Kinh doanh vì lợi nhuận không còn là lựa chọn tối ưu, thay vào đó là làm thế nào để việc kinh doanh có thể tạo ra các giá trị song hành cho phát triển bền vững, tạo dựng niềm tin với đối tác và nhận được sự ủng hộ từ cộng đồng. Trong cuộc đua giữa các quốc gia về ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, việc tích hợp ESG đã trở thành 1 trong 10 xu thế phát triển bền vững toàn cầu.

Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã đưa ra cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển từ than sang năng lượng sạch, Cam kết giảm phát thải khí mê-tan toàn cầu, Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất. Các cam kết đòi hỏi nỗ lực rất lớn trong chuyển đổi nền kinh tế theo hướng các-bon thấp một cách toàn diện, và đã được thể hiện qua nhiều Chiến lược, Kế hoạch hành động của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.

Do nhu cầu thống nhất từ Chỉnh phủ, ý thức người tiêu dùng, người lao động lẫn nhà đầu tư, các công ty đang đẩy mạnh nỗ lực giải quyết các vấn đề liên quan đến ESG trong doanh nghiệp của họ. Báo cáo của PwC về “Mức độ sẵn sàng thực hành ESG của doanh nghiệp Việt Nam năm 2022” chỉ ra: 82% người tham gia khảo sát từ các ngành khác nhau chọn hình ảnh thương hiệu và danh tiếng là lý do hàng đầu thúc đẩy doanh nghiệp theo đuổi ESG, và duy trì tính cạnh tranh là lý do thứ hai (68%). Những yếu tố khác bao gồm giữ chân người lao động và thu hút nhân tài, và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là áp lực từ nhà đầu tư, cổ đông và Chính phủ.

 Đáp ứng các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp tiếp cận với nhiều nguồn vốn xanh ưu đãi

Hiện nay, các công ty chú trọng ESG phần lớn vẫn là doanh nghiệp FDI hoặc doanh nghiệp lớn trong nước. Như Vinamilk vừa có nhà máy đầu tiên đạt trung hòa các-bon, hay Hòa Phát đã đầu tư công nghệ tận dụng lượng lớn nhiệt thừa từ sản xuất thép để sản xuất điện, giúp tự chủ phần lớn lượng điện cần cho sản xuất...

Với đa phần doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, ESG tạo ra thách thức nhưng cũng là cơ hội để họ tiếp cận các nguồn vốn từ nguồn tài chính các-bon thấp, ưu đãi dành cho các khoản đầu tư về ESG. Đơn cử, HSBC đã cam kết khoản tài trợ bền vững lên tới 12 tỷ đô la Mỹ cho Việt Nam đến năm 2030, và tính đến tháng 5/2022, con số này đã đạt được 10% mục tiêu. Dragon Capital đã áp dụng các Nguyên tắc của Liên Hợp Quốc về Đầu tư có trách nhiệm, để tối ưu hóa hiệu suất được điều chỉnh theo rủi ro của mình. Trong khi đó, VinaCapital xây dựng bộ công cụ đánh giá ESG nội bộ và đã áp dụng cho 100 công ty đại chúng trên thị trường Việt Nam.

Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG, Quỹ đầu tư VinaCapital, thực hành ESG sẽ giúp doanh nghiệp giảm các rủi ro pháp lý, mở rộng cơ sở khách hàng, tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao hơn và nâng cao tính bền vững tổng thể của doanh nghiệp. Đồng thời, ESG cũng giúp thu hút dòng vốn từ các quốc gia phát triển, điền hình ở Châu Âu – nơi vốn tập trung hơn vào các vấn đề ESG và ưu tiên đầu tư vào các quốc gia/khu vực cam kết hướng tới tương lai bền vững.

Ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó Tổng giám đốc PwC Việt Nam nhận định, chuyển đổi năng lượng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện ESG và được coi là góp phần lớn nhất vào việc giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây sẽ là lợi thế cạnh tranh trên thị trường và góp phần kiến tạo giá trị lâu dài cho doanh nghiệp, bao gồm hình ảnh thương hiệu bền vững giúp thu hút các nhà đầu tư - nhờ vào mối quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư đối với các dự án phát triển bền vững.

Sản lượng phát điện từ tận dụng nhiệt thừa giúp Hòa Phát tự chủ phần lớn điện năng cho sản xuất

Việc áp dụng năng lượng xanh cũng sẽ đảm bảo tuân thủ các chính sách và quy định liên quan trên quốc tế và khu vực, giúp doanh nghiệp tránh được các chi phí liên quan đến phát thải các-bon trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần cần xây dựng một lộ trình chuyển đổi từng bước để giảm phát thải dọc theo chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Báo cáo ESG có thể phức tạp, nhưng doanh nghiệp nên bắt đầu từ những bước nhỏ bằng việc tập trung vào các vấn đề ESG chính liên quan trực tiếp đến ngành nghề và các bên liên quan.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các mô hình kinh doanh đổi mới sáng tạo đón bắt xu hướng, tiên phong đẩy mạnh đầu tư, đổi mới công nghệ, mô hình kinh doanh theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chủ động ứng dụng công nghệ cao, áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm thải các-bon, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, đóng góp tích cực vào quá trình hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và cam kết Net Zero carbon của Chính phủ Việt Nam vào năm 2050. Đây chính là những ngành kinh tế mới tạo giá trị mới, động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Box: Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM và HN cũng đã công bố Chỉ số Phát triển bền vững Việt Nam từ tháng 7/2017. VN Sustainability Index Top 20 - VNSI bao gồm các công ty niêm yết có điểm bền vững cao nhất được lựa chọn từ VN100 (100 công ty lớn nhất niêm yết trên HOSE) trải qua quá trình đánh giá ESG. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 96/2020/TT-BTC ngày 16/11/2020 về các yêu cầu báo cáo bền vững đối với doanh nghiệp đại chúng và niêm yết tại Việt Nam.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục