,

Các tôn giáo bảo vệ môi trường - Nhiều mô hình thiết thực

Thời gian qua, các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã tích cực tham gia có hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua việc triển khai nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo và xây dựng hàng nghìn mô hình của các tôn giáo về bảo vệ môi trường.

 

Những kết quả thiết thực 

Trong những năm qua, với sự phối hợp, hỗ trợ kịp thời và thiết thực của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và ngành tài nguyên và môi trường, các tôn giáo đã xây dựng nhiều mô hình cộng đồng dân cư và tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đạt được kết quả thiết thực.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hoàng Công Thủy, các tổ chức tôn giáo trên địa bàn cả nước đã tích cực tham gia hiệu quả vào các chương trình hành động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua nhiều hoạt động cụ thể của từng tôn giáo.

Các hoạt động đã được xây dựng như vận động các chức sắc, tín đồ cam kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, nguồn tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo; vận động các tín đồ tôn giáo và nhân dân không sử dụng vật tư, phương tiện tạo ra những sản phẩm độc hại hay thực hiện quy trình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng cường độ biến đổi khí hậu; thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, không sử dụng hóa chất độc hại, bị cấm trong bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm; phân loại, thu gom rác thải từ nguồn và tổ chức nhiều hoạt động cứu trợ đồng bào các vùng bị thiên tai, bão lũ...

Với những nỗ lực đó, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường đã được nâng lên rõ rệt. Tính đến tháng 8/2023, cả nước đã có hơn 2.000 mô hình thuộc 43 tổ chức tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Điển hình, tại khu vực Tây Nam Bộ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố đã phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương vận động nhân dân hưởng ứng chương trình, xây dựng nếp sống vệ sinh xanh, sạch, đẹp; tạo thói quen hạn chế vứt rác; hưởng ứng các phong trào xanh như “Chủ nhật xanh”, “5 không 3 sạch”, trồng cây xanh, không lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế rác thải nhựa, không lạm dụng đốt rơm rạ...

Vào giữa tháng 8/2023, tại tỉnh Tiền Giang, các tôn giáo trên địa bàn thị xã Gò Công đã ký kết chương trình phối hợp “Phát huy vai trò các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026”.

Các tổ chức tôn giáo trên địa bàn quận 8, TP.HCM tham gia trồng cây xanh

Cụ thể, đại diện 5 tôn giáo Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tham gia bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2023-2026; vận động bà con tín đồ giữ gìn vệ sinh đường phố, trồng cây xanh các tuyến đường phố, phân loại rác thải ngay tại nhà, trồng hoa kiểng trong khuôn viên thờ tự, sử dụng nước sạch một cách hợp lý...

Đại diện từng tổ chức tôn giáo cho biết bản thân các tu sỹ sẽ tham gia và vận động tín đồ chung tay cùng chính quyền bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu làm cho thị xã Gò Công ngày càng trở thành đô thị xanh, sạch, đẹp, văn minh, lịch sự và nghĩa tình.

Nhiều địa phương, các tổ chức tôn giáo trên cả nước cũng đã triển khai, xây dựng mô hình hiệu quả, cách làm hay, tiêu biểu như: Bình Thuận với mô hình "Khu dân cư bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu" vùng đồng bào theo đạo Bàlamôn; tỉnh Quảng Nam với mô hình “Tuyến đường tự quản về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu” của các cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn các xã: Cẩm Thanh, Cẩm Kim; các phường: Minh An, Cẩm Châu, Cửa Đại; mô hình “Xử lý rác thải, trồng cây xanh, bình chữa cháy” ở Hảo Hòa Tự của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ; mô hình “Tổ đoàn kết tôn giáo với công tác bảo vệ môi trường” tại chùa Long Quang, thị trấn Núi Thành; mô hình “Cơ sở tôn giáo cảnh tịnh, thanh nhã và gương mẫu” của các tôn giáo trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam...

* Lan tỏa các hành động tích cực

Theo ông Vũ Đình Long - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, để thúc đẩy phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, trước hết, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của đoàn viên, hội viên là tôn giáo và Nhân dân hưởng ứng các nội dung về môi trường và biến đổi khí hậu ở cộng đồng dân cư, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường.

Tiếp đó, đẩy mạnh vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ xóa bỏ những tập quán, thói quen sinh hoạt gây ô nhiễm môi trường, làm tăng biến đổi khí hậu; xây dựng cơ sở tôn giáo xanh, sạch, đẹp, văn minh; tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu cho chức sắc, chức việc, tín đồ và người dân ở cộng đồng.

Hơn nữa, các tổ chức tôn giáo tiếp tục đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu vào hiến chương, điều lệ và chương trình hoạt động hàng năm, những khóa bồi dưỡng giáo lý, giáo luật của tổ chức tôn giáo để triển khai tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo nâng cao ý thức, hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Long Trì, huyện Châu Thành (Long An) phối hợp với chùa Trung Nam tổ chức mô hình thả cá ra sông, tham gia bảo vệ môi trường

Đồng thời, hạn chế tiến tới không sử dụng túi ni lon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt; xây dựng và hình thành nếp sống thuận theo tự nhiên, thói quen tiêu dùng sản phẩm thân thiện môi trường; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khuyến khích hỗ trợ thực hiện tăng trưởng xanh; tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về lợi ích của các sản phẩm dán nhãn sinh thái; các sản phẩm thân thiện môi trường.

Cùng với đó, xây dựng các mô hình tự quản về môi trường ở khu dân cư gắn với thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng phát triển các mô hình thành phố bền vững về môi trường, mô hình làng sinh thái, mô hình phân loại rác thải tại nguồn.

Tiếp theo, quan tâm thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, phản ánh ý kiến Nhân dân, góp ý xây dựng hoàn thiện đồng bộ các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Thêm vào đó, phát huy vai trò nêu gương của các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo, nhất là vai trò nêu gương của người đứng đầu tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc trong tham gia thực hiện bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Cuối cùng, phát huy hơn nữa vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức tôn giáo trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp và hộ gia đình.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục