,

Bù đắp số thu giảm từ thuế bảo vệ môi trường

Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hoàng Thanh Phong nhận định, năm 2022 được dự báo là một năm khó khăn đối với công tác thu ngân sách nhà nước. Ngay từ đầu năm, ngành Thuế đã tính toán các giải pháp, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu mà UBND tỉnh giao.

Dự báo khó khăn

Ngay những ngày đầu tháng 3, sau một loạt các biến động khiến giá xăng dầu tăng kỷ lục, để kiềm chế lạm phát, tránh tác động quá lớn đến đời sống người dân và doanh nghiệp, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 31/NQ-CP thông qua dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu. Theo đó, xăng sẽ giảm 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 700 đồng/lít. Việc điều chỉnh giảm này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-4-2022 đến hết ngày 31-12-2022.

Việc điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ tác động lớn đến hiệu quả thu ngân sách của tỉnh. Năm 2021, số thu thuế bảo vệ môi trường của Tuyên Quang đạt trên 320 tỷ đồng. Năm 2022, mục tiêu của ngành là sẽ thu khoảng 350 tỷ đồng, khi đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực, số thu này sẽ giảm một nửa, tương đương với hơn 150 tỷ đồng.

Sản xuất giấy tráng phấn cao cấp tại Công ty cổ phần Giấy An Hòa, Khu công nghiệp Long Bình An.    

Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Hoàng Thanh Phong cho biết, đây là một bài toán khó đối với ngành thuế, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành thuế tiếp tục phải thực hiện các chính sách cắt giảm, miễn giảm... đối với cả người dân và doanh nghiệp. Theo Quyết định 828 của UBND tỉnh, năm 2022, kế hoạch thu ngân sách toàn tỉnh đạt trên 2.784 tỷ đồng. Ngành thuế hiện đang tích cực rà soát các khoản thu, xây dựng các phương án bù đắp lại khoản hụt thu này để đảm bảo kết quả thu ngân sách tốt nhất.

Chưa thể giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ đất đai

Trong cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước tại Tuyên Quang hiện nay, nguồn thu từ đất đai đang có vai trò quan trọng. Trong nguồn thu về đất đai thì việc thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền thu từ bán nhà thuộc sở hữu nhà nước chiếm tỷ lệ lớn. Hằng năm, nguồn thu từ đất đai chiếm tỷ trọng từ 18 - 20% tổng thu ngân sách nhà nước, với mức thu từ 475 đến 500 tỷ đồng. Nếu so với nhiều tỉnh thành trong khu vực, số thu này vẫn khá khiêm tốn.

Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Hoàng Thanh Phong, trong cơ cấu thu ngân sách của tỉnh, thì hiện nguồn thu tiền sử dụng đất là một trong 3 nguồn thu chiếm tỷ trọng lớn nhất, cùng với thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh và thu thuế bảo vệ môi trường. Năm 2022, khi số thu từ thuế bảo vệ môi trường đã được dự báo sẽ giảm một nửa, thì việc tăng nguồn thu tiền sử dụng đất lại phải được các địa phương tập trung xây dựng để đảm bảo cân đối thu ngân sách.

Theo nhận định của ngành thuế, cùng với thu từ xổ số kiến thiết, thu tiền sử dụng đất là khoản thu không bền vững bởi vì toàn bộ nguồn thu này là khoản thu một lần và được thu khi Nhà nước giao đất hoặc bán nhà. Về lâu dài, theo ông Phong, khoản thu này sẽ được điều chỉnh để ngân sách nhà nước giảm phụ thuộc vào nó. Đồng thời với nó là việc tăng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Quy hoạch các khu dân cư đang giúp việc đấu giá quyền sử dụng đất thuận lợi hơn. (Trong ảnh: Một góc khu dân cư tổ 10,
 phường Tân Hà, TP Tuyên Quang vừa được chỉnh trang lại).

Giải pháp hiệu quả nhất là thúc đẩy sự phát triển của các ngành kinh tế, gia tăng quy mô GDP một cách bền vững bằng cách thu hút được các dự án đầu tư, phát triển các ngành nghề phụ trợ. Muốn làm được điều đó, chắc chắn việc cải thiện môi trường kinh doanh phải đặt lên hàng đầu. Tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất; tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân sách; tăng kim ngạch xuất khẩu đi đôi với đẩy mạnh các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Mới đây, Sở Tài chính đã dự thảo Quyết định ban hành quy chế phối hợp công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Qua đó, kịp thời xây dựng giải pháp, quản lý, điều hành dự toán thu nội địa trên địa bàn tỉnh theo từng sắc thuế; vừa chủ động rà soát các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng để khai thác tăng thu như từ đất đai, tài nguyên, khoáng sản...; đồng thời, rà soát hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh qua Internet để có thêm nguồn thu.   

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục