,

Phổ biến Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc

Sáng 30/11, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu các nội dung của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố, các công ty điện lực địa phương và các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên phạm vi toàn quốc.

Tại hội nghị ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được ban hành với mục tiêu thể chế hóa đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước, đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ môi trường và yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Luật điều chỉnh các hoạt động sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của toàn xã hội; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; từng bước nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với hoạt động này. Đây chính là công cụ và cơ sở pháp lý mạnh để triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng  tiết kiệm và hiệu quả trên phạm vi toàn quốc.

Luật Sử dụng  năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Luật bao gồm 12 Chương và 48 Điều quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; chính sách, biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được đề cập trong sản xuất công nghiệp; nông nghiệp; trong xây dựng, chiếu sáng công cộng; trong giao thông vận tải; trong hoạt động dịch vụ và hộ gia đình; trong dự án đầu tư, cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được tập trung vào phát triển khoa học và công nghệ; tuyên truyền, giáo dục việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; khuyến khích phát triển các dịch vụ tư vấn đầu tư về bảo tồn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế cũng như thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.                                                        

Theo Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), các văn bản hướng dẫn cần xây dựng để thực hiện Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là Nghị định Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật; Nghị định Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Quy định danh mục phương tiện, thiết bị phải dán nhãn năng lượng và lộ trình thực hiện; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm hàng năm.... và cùng có hiệu lực thi hành kể từ 1/1/2011, thời điểm Luật có hiệu lực. Ngoài ra còn có các Quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành trong quý 1/2011, các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện do Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng ban hành.

Ông Phương Hoàng Kim, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, năng lượng tiêu hao cho một đơn vị sản phẩm trong nhiều ngành công nghiệp của nước ta cao hơn nhiều so với các nước phát triển, cụ thể cao hơn Thái Lan và Ma-lai-xi-a là khoảng 1,5-1,7 lần. Tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu năng lượng so với tăng trưởng GDP của nước ta cũng đến gần 2 lần, trong khi ở các nước phát triển, tỷ lệ này là dưới 1. Các nghiên cứu, tính toán cho thấy tiềm năng tiết kiệm năng lượng trong công nghiệp sản xuất xi măng, thép, sành sứ, thủy sản, hàng tiêu dùng... có thể đạt trên 20%; lĩnh vực xây dựng dân dụng, giao thông vận tải có thể đạt trên 30%; khu vực sinh hoạt và hoạt động dịch vụ, tiềm năng tiết kiệm năng lượng cũng không nhỏ.

Monre

Tin cùng chuyên mục