,

Thiên thạch đang tiến gần trái đất

Một thiên thạch với đường kính 46m sẽ tiến gần trái đất vào giữa tháng 10 tới đây. Nó có thể nổ ở tầng khí quyển. Tạp chí khoa học vũ trụ Space ngày 28/9 đưa tin, kính viễn vọng đặt tại Hawaii (Mỹ) vừa phát hiện một thiên thể có khả năng gây nguy hiểm (Potentially Hazardous Asteroid) sẽ tiến gần trái đất vào giữa tháng 10. Thiên thạch với đường kính khoảng 46m có thể nổ ở tầng khí quyển trái đất nếu đi vào khu vực này, dẫn đến một làn sóng tàn phá hàng trăm dặm vuông trên bề mặt trái đất.

Thiên thể được đặt tên là 2010 ST3 sẽ đi vào khu vực cách Trái Đất khoảng 6,4 triệu km trong vài tuần tới tồn tại và chuyển động trong khu vực đó trong 88 năm. “Có khả năng rất nhỏ là ST3 sẽ va với trái đất vào năm 2098, nên cần giám sát thiên thạch này”, theo nhà thiên văn học Robert Jedicke ở trường ĐH Hawaii (Mỹ) – người đang nghiên cứu dữ liệu thiên thạch từ kính viễn vọng được thiết kế đặc biệt ở đảo Maui (thuộc Hawaii), cho biết.

Thiên thạch 2010 ST3 được phát hiện bằng kính viễn vọng PS1 đặt trên đỉnh núi lửa Haleakala khi nó ở cách trái đất khoảng 32,1 triệu km. Các nhà khoa học gọi ST3 là “vật thể có khả năng gây nguy hiểm” vì nó sắp bay tương đối gần với trái đất. “Dù vật thể này không va chạm với trái đất trong tương lai gần, việc khám phá ra thiên thạch này chứng tỏ kính viễn vọng Pan-Starrs PS1 là hệ thống nhạy bén nhất trong việc phát hiện ra những thiên thạch có khả năng gây nguy hiểm”, Jedicke nói. Kính viễn vọng rộng 1,8m và có một camera với độ phân giải 1,4 tỉ pixel trên 40cm. Khoảng 85% những thiên thạch lớn nhất bay gần Trái Đất được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện. Khoảng 15% thiên thạch có bề rộng khoảng 140m có khả năng tàn phá trái đất trên diện rộng nếu chúng va chạm với trái đất, báo cáo của Viện khoa học quốc gia (National Academy of Sciences) cho biết.

Chính phủ Obama đang đề xuất tăng ngân sách cho chương trình theo dõi thiên thạch của NASA từ 3,7 triệu USD năm 2009 lên 20,3 triệu USD năm 2011. Nước này mỗi năm dành khoảng 4 triệu USD để vận hành các đài quan sát nhằm phát hiện những vật thể gần trái đất (near-Earth objects - NEOs), báo cáo của Ủy ban xem xét khảo sát vật thể gần Trái Đất và chiến lược giảm nhẹ nguy hiểm (Committee to Review Near-earth Object Surveys and Hazard Mitigation Strategies) thuộc Hội đồng nghiên cứu khoa học Mỹ (National Research Council), cho biết.

NASA đang được Quốc hội Mỹ giao hai sứ mệnh liên quan đến NEOs. Nhiệm vụ thứ nhất được đặt ra năm 1998, rằng NASA phải phát hiện được 90% NEOs có đường kính ít nhất 1km trong vòng 10 năm. Vật thể có kích thước tối thiểu trong giới hạn này được nhiều chuyên gia cho là mức tối thiểu có thể gây ra sự tàn phá lớn nếu va chạm với trái đất. Đến nay NASA đã gần đạt được mục tiêu này, nhưng việc phát hiện ra một vật thể đường kính khoảng 2 - 3km năm 2009 cho thấy, cơ quan này phải phát hiện rất nhiều vật thể lớn hơn.

Nhiệm vụ thứ hai là, đến năm 2020, NASA phải phát hiện 90% số vật thể có đường kính tổi thiểu là 140m. Tuy nhiên, theo Ủy ban Khảo sát vật thể gần Trái Đất và chiến lược giảm nhẹ nguy hiểm, vật thể có đường kính nhỏ hơn 140m cũng có khả năng tàn phá lớn với trái đất. Vụ va chạm của thiên thạch năm 1908 với trái đất ở khu Tunguska thuộc vùng Siberia phá hủy 2.000 km2 rừng. Vật thể này được ước tính có đường kính khoảng 70m, nhưng một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng đường kính của vật này có thể chỉ khoảng 30 - 50m. Và theo Ủy ban này, những thiên thạch nhỏ trong không gian nhiều hơn thiên thạch lớn. Và nếu kết quả nghiên cứu mới này là đúng, thì cứ 3 thế kỷ lại xảy ra một vụ va chạm tương tự như vậy.

Monre

Tin cùng chuyên mục