,

Khu, cụm công nghiệp: Phát triển quá ồ ạt, dàn trải

Phát triển các khu, cụm công nghiệp quá nóng đang khiến nhiều địa phương phải trả giá. Tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông trong khu vực có các khu, cụm công nghiệp đang diễn ra khá phổ biến.

Đất bị bỏ hoang

Khảo sát mới nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, tốc độ phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn cả nước diễn ra khá nhanh, hiện nay cả nước có 249 khu công nghiệp, với tổng diện tích 63 nghìn ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 51%, có 162 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, trong đó có 27 khu đạt tỷ lệ lấp đầy 100%, 37 khu đạt tỷ lệ lấp đầy trên 80%. Cùng với đó, cả nước có khoảng 650 cụm công nghiệp do địa phương thành lập với tổng diện tích có 33 nghìn ha trong đó tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt 44%.

Khu vực Đông Nam Bộ hiện đang có số khu, cụm công nghiệp nhiều nhất (85 khu). Trong đó, tỉnh Đồng Nai dẫn đầu cả nước với 29 KCN. Kế đó là Bình Dương với 24 KCN,  TP Hồ Chí Minh (16), Long An (14) và Hà Nội (12). Tỉnh Đồng Nai cũng chiếm ngôi đầu bảng về diện tích đất dành cho KCN với con số 9.321ha.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết, nhiều địa phương phát triển cụm công nghiệp ồ ạt, dàn trải, thiếu sự phối hợp thống nhất trên quy mô liên vùng, liên tỉnh. Đáng chú ý, các dự án này sử dụng nhiều diện tích đất lúa; chưa xem xét đồng bộ với điều kiện hạ tầng kinh tế - xã hội, khả năng và nhu cầu phát triển thực tế dẫn đến tình trạng đất đai bị bỏ hoang hóa, lãng phí, ô nhiễm môi trường. Một số tỉnh đã thành lập các khu, cụm công nghiệp trên những vùng đất thuận tiện về vị trí, hạ tầng, địa hình bằng phẳng, xâm phạm đến diện tích đất trồng lúa cần được bảo vệ; bám theo các tuyến quốc lộ, nằm sát các khu dân cư, gây nên tình trạng ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...

Né tránh, ngại xử lý

Cũng liên quan tới các khu, cụm công nghiệp, năm 2010, Bộ TN&MT đã thành lập 6 đoàn thanh tra công tác bảo vệ môi trường đối với 260 cơ sở, khu công nghiệp trên địa bàn 46 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ TN&-MT đánh giá, công tác quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa được giải quyết đồng bộ với việc đầu tư cơ sở hạ tầng về môi trường. Nhiều khu công nghiệp vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng, không tuân thủ thiết kế dự án đầu tư... dẫn đến không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, công tác đầu tư hệ thống thoát nước khu công nghiệp còn manh mún, chắp vá, không hiệu quả...

Các đoàn thanh tra đã lập 113 biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và chuyển cho UBND các tỉnh, thành phố xử phạt theo quy định, trong đó đề nghị xử phạt từ gần 10 tỷ đồng đến trên 15 tỷ đồng. Đến nay, các địa phương đã ra quyết định xử phạt và báo cáo về Bộ TN-MT số tiền xử phạt là 5,1 tỷ đồng, chỉ đạt 33,4% mức đề nghị phạt bình quân và đạt 42,8% mức đề nghị phạt tối thiểu.

Từ con số này, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên bình luận: “Một số địa phương chưa kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Các đoàn thanh tra đã lập biên bản vi phạm hành chính chuyển hồ sơ đề nghị ra quyết định xử phạt, song UBND tỉnh chưa hoặc không ra quyết định xử phạt. Có thể nêu đích danh các địa phương như An Giang, Bến Tre, Đà Nẵng, Quảng Trị, Đồng Tháp, Thái Bình, Thanh Hóa... Ông nói: “Ở đây, công tác phối hợp thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường giữa các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương chưa tốt. Nhiều vụ việc xử lý còn chưa nghiêm minh, thiếu kiên quyết, một số cơ quan chức năng ở địa phương có biểu hiện né tránh, ngại xử phạt...”.

Trước thực trạng trên, trong quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015, Bộ TN&MT sẽ chỉ bố trí đất cho các dự án phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ xét duyệt và tỷ lệ lấp đầy diện tích đã đạt trên 60%. Bộ TN-MT cũng cam kết tiếp tục chấn chỉnh tình hình sử dụng đất của các khu, cụm công nghiệp trong thời gian tới. Đồng thời, tiến hành tổng rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển KCN trên phạm vi cả nước để thống nhất triển khai thực hiện. Cùng với đó, BộTN&MT đề nghị UBND cấp tỉnh hạn chế bố trí KCN vào đất trồng lúa, đối với các địa phương chưa lấp đầy trên 60% diện tích đất KCN hiện có thì không bố trí khu công nghiệp mới.

Theo Bộ Xây dựng, việc bổ sung, điều chỉnh quy hoạch các KCN tập trung; phát triển đô thị mới, khu đô thị mới, khu du lịch... không phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh đã được phê duyệt, làm phá vỡ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung của tỉnh và vùng liên tỉnh về giao thông, cấp điện, cấp nước, thoát nước và môi trường sinh thái...

Monre

Tin cùng chuyên mục