,

Đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo

Việc sử dụng năng lượng đặc biệt là các nguồn năng lượng hoá thạch như dầu, khí, than đã tạo ra trên 25% lượng phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính.

Do vậy, phát triển nguồn năng lượng tái tạo được coi là giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng cũng như việc bảo vệ môi trường trong tương lai của Việt Nam. Phóng viên báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo và cơ chế phát triển sạch – Viện Năng lượng về vấn đề này.

Xin ông cho biết, đề án phát triển các dạng năng lượng tái tạo (NLTT) có được đưa vào Quy hoạch điện VII đang xây dựng không và nó sẽ chiếm bao nhiêu trong tổng nhu cầu năng lượng Việt Nam?

Quy hoạch điện VII có một phần rất quan trọng là xem xét khai thác NLTT cho sản xuất điện lưới, NLTT cho sản xuất điện cung cấp cho nông thôn, vùng sâu vùng xa, hải đảo.

Mục tiêu của chung của các dự án phát triển NLTT là đáp ứng 3% tổng năng lượng vào năm 2010, 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050. Bên cạnh đó, mục tiêu của chúng ta là đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển các dự án NLTT, chủ yếu tại các tỉnh vùng sâu vùng xa, khu vực hải đảo để 100% các hộ có điện sử dụng.

Với mục tiêu như vậy, vấn đề công nghệ, giá cả, quy chế khuyến khích đầu tư phát triển năng lượng tái tạo sẽ được giải quyết như thế nào, thưa ông?

Thực tế thì công nghệ sản xuất các dạng NLTT đã khá phổ biến trên thế giới. Bên cạnh đó, suất đầu tư để phát triển NLTT đã và đang có xu hướng giảm vì đã có những tiến bộ về vật liệu, công nghệ làm nâng cao hiệu suất, dẫn đến giá thành giảm. Nhưng để NLTT có đủ sức cạnh tranh thì phải chờ ở tương lai chứ giai đoạn này chưa thể cạnh tranh được bởi thực tế giá thành cho sản xuất NLTT vẫn cao hơn nhiều so với những loại năng lượng hóa thạch truyền thống (hiện vẫn được Nhà nước trợ giá). Cho nên, để phát triển NLTT, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước từ thăm dò, đánh giá trữ lượng tài nguyên, xây dựng bản đồ phân vùng để phát triển từng vùng NLTT đến cải tiến công nghệ, hỗ trợ giảm giá thành, hình thành thị trường và hỗ trợ cho các nhà đầu tư về giá. 

Vậy Nhà nước đã có những biện pháp hỗ trợ cụ thể nào chưa, thưa ông?

Hiện nay, Nhà nước đã có một số cơ chế khuyến khích cho các nhà đầu tư NLTT về đất đai, thuế nhập khẩu ở mức cao nhất theo pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, thời gian qua, Bộ Công Thương đã đề suất xây dựng Quỹ hỗ trợ cho phát triển NLTT. Chính phủ đang xem xét vấn đề sẽ lấy nguồn tiền từ đâu và quản lí quỹ đó làm sao cho minh bạch, rõ ràng và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia. Có thể nguồn quỹ sẽ là phụ thu tiền điện hoặc tiền lãi từ các nguồn khai thác năng lượng hóa thạch như than xuất khẩu nhập khẩu, dầu xuất khẩu nhập khẩu để hỗ trợ cho việc phát triển các nguồn NLTT. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam với sự trợ giúp của Chính phủ Đức (giao cho Tổ chức GTZ thực hiện), dưới sự trợ giúp của Bộ Công Thương đang tiến hành xây dựng các cơ chế giá cho điện gió. Hy vọng thời gian tới những cơ chế giá này sẽ tạo điều kiện cho NLTT phát triển tại Việt Nam.

Chúng ta cần có những giải pháp gì để phát triển nhân lực phục vụ cho các dự án NLTT, thưa ông?

Do ngành NLTT còn là một ngành khá mới ở Việt Nam nên nguồn nhân lực phục vụ cho lĩnh vực này của ta thực sự còn yếu và thiếu. Tuy nhiên, nguồn nhân lực cũng đã có lộ trình phát triển. Chúng ta đã có những chương trình đào tạo nhân lực cho phát triển NLLL ở nước ngoài hoặc mời các chuyên gia nước ngoài đến để dạy cho các kỹ sư Việt Nam thông qua bài giảng, các hội thảo để từng bước trau dồi kiến thức về NLTT.

Hiện ở trong nước cũng đã có một số trường đại học hình thành những chuyên ngành về NLTT như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Bách khoa TP.HCM, Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Đại học Thủy lợi…. Bên cạnh đó, tại một số trường đại học và Viện nghiên cứu đã hình thành những trung tâm mạnh, nghiên cứu các dự án, công trình trọng điểm, công nghệ… liên quan đến NLTT để thích ứng với điều kiện của Việt Nam./.

Xin cảm ơn ông!

Tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo tại Việt Nam khá dồi dào. Trong đó năng lượng địa nhiệt có thể khai thác 200MW vào năm 2020. Nguồn năng lượng mặt trời với số giờ nắng bình quân là 2.000-2.500 giờ/năm, tổng bức xạ nhiệt bình quân khoảng 150kcal/cm2/năm, tương đương với khoảng 43,9 tỷ tấn dầu mỗi năm (con số ước lượng trên lý thuyết). Năng lượng gió của Việt Nam cũng hết sức dồi dào, cường độ năng lượng gió hiện nay tại các vùng hải đảo khoảng 1.400kWh/m2 mỗi năm. Cường độ năng lượng khoảng 500-1.000kWh/m2 mỗi năm tại các vùng Duyên hải Trung bộ, Tây Nguyên và Nam bộ, tại các vùng khác dưới 500kWh/m2 mỗi năm. Ngoài ra Việt Nam còn tiềm năng sinh khối từ gỗ, chất thải nông nghiệp (tương đương 43-46 triệu tấn dầu/năm; Biogas và Uranium (quặng U308 là 218.167 tấn, xếp hạng trung bình trên thế giới).

VEN.vn

Tin cùng chuyên mục