,

Công nghệ tái chế bùn đỏ "made in Vietnam"

Bùn đỏ - câu chuyện đang làm nóng nhiều diễn đàn khoa học và sự quan tâm của dư luận, khi người ta liên tưởng đến thảm họa có thể xảy ra sắp tới với dự án bauxite Tây Nguyên. Tuy nhiên, đứng dưới góc nhìn của một số nhà khoa học, bùn đỏ lại là tài nguyên chứ không phải chất thải đáng nguy hại. Xin giới thiệu hai trong số nhiều công nghệ xử lý bùn đỏ của Việt Nam đã được nghiên cứu thành công.

Xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải

TS. Nguyễn Trung Minh và cộng sự đã sử dụng thành phần có ích của bùn đỏ để tạo ra một loại vật liệu mới, có khả năng xử lý ô nhiễm kim loại nặng trong nước thải, thân thiện với môi trường. Xuất phát từ ý tưởng tận dụng thành phần có ích của bùn đỏ có khả năng hấp phụ cao, giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện Việt Nam, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu công nghệ mới này.

TS. Minh và một số đồng nghiệp của mình đã tiến hành nghiên cứu loại bùn này và kết quả đưa ra đáp ứng được cả hai mục tiêu. Một là, giảm được lượng chất thải của quá trình khai thác, chế biến bauxite. Hai là, tận dụng chất thải dư thừa của quá trình khai thác, chế biến quặng, tạo ra loại vật liệu có khả năng xử lý các ô nhiễm ion kim loại nặng và các chất độc hại khác trong môi trường nước.

Kết quả nghiên cứu ban đầu về sự hấp phụ của vật liệu chế tạo từ bùn đỏ Bảo Lộc, Lâm Đồng với ion kim loại nặng Pb2+ và các thông số hóa lý, hấp phụ đẳng nhiệt khác, đã chỉ ra khả năng sử dụng bùn đỏ để xử lý ô nhiễm nước thải.

Trên thế  giới đã có rất nhiều công trình nghiên cứu  khoa học về bùn đỏ để tạo ra sản phẩm xử lý nước thải, nhưng chưa đi đến khâu sản xuất thành phẩm. Từ nghiên cứu điều kiện ở Việt Nam, sản phẩm thực nghiệm sản xuất ra - giá chỉ bằng 1/10, nhưng có khả năng hấp phụ cao hơn của than hoạt tính đang bán trên thị trường từ 1,3 – 1,5 lần.

Xử lý lưu huỳnh trong khi đốt, dùng trong đun nấu

TS. Huỳnh Quyền, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu công nghệ lọc hóa dầu (RPTC), ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh cho biết: Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Công nghệ sinh học Việt Nam, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hồ Chí Minh và ĐH Tokyo đã thống nhất chọn: Viên lọc được sản xuất từ bùn đỏ để xử lý khí lưu huỳnh (H­2S) trong khí biogas trước khi đưa vào bếp đốt của dự án biomass tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là dự án ứng dụng các công nghệ thích hợp để tái sử dụng các chất thải trong trồng trọt như: trấu, rơm rạ, chăn nuôi... để làm nhiên liệu sinh học, biogas, phân bón phục vụ lại cho việc chạy động cơ máy móc trong sản xuất nông nghiệp, thắp sáng, phân bón, đun nấu... Trước đó, Công ty TNHH Sản xuất - Xuất nhập khẩu lương thực Bình Dương (Bidofood) với khí biogas lên đến 10.000m3/ngày cũng đã sử dụng viên lọc này để lọc khí lưu huỳnh trong quá trình sấy bột và chạy máy phát điện.

Theo TS.Quyền, nhờ đặc tính nhiều sắt và nhôm của bùn đỏ, bổ sung thêm một số chất cần thiết khác và tạo thành viên để lọc lưu huỳnh trong khí biogas trước khi đốt (trong biogas ngoài lưu huỳnh còn có CO­2 và nước, nhưng lưu huỳnh là chất khó xử lý và gây hại cho thiết bị đốt). Sau thời gian lọc khoảng 6 tháng, sẽ tách lưu huỳnh để tái sử dụng. So với việc xử lý lưu huỳnh bằng mạt sắt trước đây, bùn đỏ xử lý được lưu huỳnh hoàn toàn và chi phí thấp hơn.

Theo TS. Quyền, ngoài việc áp dụng hút lưu huỳnh trong biogas, còn xử lý lưu huỳnh trong các môi trường và công việc khác.

Monre

Tin cùng chuyên mục