,

LHQ nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu

Ngày 14/3, tại Hội nghị các bộ trưởng môi trường châu Âu ở Parma, Italy, Liên hợp quốc thông báo bắt đầu tiến hành một nghiên cứu quan trọng tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu và 20 hóa chất công nghiệp nguy hiểm nhất thế giới đối với sức khỏe con người và môi trường.

Nghiên cứu này, kéo dài 24 tháng, được Ban Thư ký Công ước Stockholm về các chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (POP) thực hiện, sẽ cung cấp cho cộng đồng khoa học, các nhà hoạch định chính sách quốc gia và quốc tế những tri thức phong phú hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến sự lan tỏa, phân bố môi trường.

Nghiên cứu cũng sẽ cho biết mức độ độc hại và sự phơi nhiễm của các chất POP như thuốc trừ sâu độc hại, các hóa chất công nghiệp độc có thể gây chết người, phá hoại hệ miễn dịch và hệ thần kinh, gây ung thư và rối loạn sinh sản cũng như phá hoại sự phát triển bình thường của bào thai và trẻ em.

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) cảnh báo sự ấm lên của Trái Đất có thể làm cho hệ sinh vật hoang dã trên hành tinh nhạy cảm hơn đối với các loại hóa chất này.

Biến đổi khí hậu có thể làm thay đổi mức độ phơi nhiễm của các loài động vật có vú sống ở Bắc Cực như gấu Bắc Cực hoặc hải cẩu trước các hóa chất độc hại thông qua nhiều hướng khác nhau. Ví dụ, sự tan chảy của các lớp băng vĩnh cửu làm tăng nguy cơ mắc bệnh và suy thoái hệ miễn dịch, tác động nguy hại đến các sinh vật, nguồn lương thực và đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc cũng cảnh báo mức độ ô nhiễm các hóa chất POP tăng lên trong không khí và nước do băng và tuyết tan, sự lan tỏa mạnh hơn do biến đổi khí hậu.

Nguy cơ này làm tăng nguy cơ con người bị phơi nhiễm trước các POP trực tiếp hoặc gián tiếp qua đường lương thực, thực phẩm, tác động nguy hại đến sức khỏe con người và môi trường.

Hiện, Liên hợp quốc đã chính thức cấm 20 loại hóa chất độc hại này./.

Moitruongxanh

Tin cùng chuyên mục