,

Công điện khẩn của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về ứng phó với cơn bão số 5

Để đối phó với những diễn biến phức tạp của cơn bão số 5 cũng như triển khai các biện pháp phòng tránh nhằm hạn chế thiệt hại do bão gây ra, ngày 29/9, thay mặt Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã ký Công điện 05/CĐ-BTNMT gửi: Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Môi trường, Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam; Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam; Sở TN&MT các tỉnh, thành phố: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Công điện nêu rõ: Theo tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, lúc 07 giờ ngày 29/9, vị trí tâm bão ở vảo khoảng 19,6 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Ninh - Nam Định khoảng 620 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12, cấp 13 (tức là từ 118 đến 149 km một giờ), giật cấp 14, cấp 15.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km. Đến 07 giờ ngày 30/9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 108,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển Quảng Ninh - Nam Định khoảng 150 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km một giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi vào đất liền và suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp. Đến 07 giờ ngày 01/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104 độ Kinh Đông trên khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Tây khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển phía Bắc quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10, cấp 11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12, cấp 13, giật cấp 14, cấp 15. Biển động dữ dội. Từ gần sáng ngày 30/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng dần lên cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12.

Đây là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, có diễn biến phức tạp, đang hướng về các tỉnh ven biển nước ta và có khả năng gây mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to cho các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Để đối phó với Bão số 5, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu:

1. Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia chỉ đạo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương tăng cường công tác dự báo Bão số 5; ra các bản tin cảnh báo, dự báo về bão, mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất theo đúng Quy chế báo áp thấp nhiệt đới, bão, lũ của Thủ tướng Chính phủ; cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các bản tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ, ngành liên quan và các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực Đông Bắc, Đồng bằng bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương để cụ thể hóa bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương; cung cấp kịp thời, đầy đủ cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, các ban, ngành có liên quan và các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động phòng, tránh.

2. Viện Khoa học Khí tượng Thuỷ văn và Môi trường thực hiện nghiêm túc Quyết định số 1195/QĐ-BTNMT ngày 18 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phối hợp cung cấp thông tin dự báo thời tiết, bão, mưa lớn trên phạm vi toàn quốc và hệ thống sông Hồng - Thái Bình.

3. Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến của Bão số 5 để có những xử lý kịp thời những sự cố xảy ra do bão gây ra trên biển.

4. Tổng cục Môi trường phối hợp với các đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường tại khu vực có bão, lũ xảy ra; có kế hoạch phối hợp, hỗ trợ chính quyền địa phương đề xuất các giải pháp trước mắt để khắc phục và xử lý ô nhiễm, đặc biệt sau bão, lũ.

5. Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thường xuyên theo dõi hiện tượng tai biến địa chất và các quá trình địa động lực công trình, hầm mỏ tại khu vực xảy ra bão, lũ; cảnh báo đến các cơ quan, đơn vị và nhân dân tình hình sạt, lở đất để có phương án phòng, tránh.

6. Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh để hỗ trợ tài chính kịp thời cho công tác phòng, chống, khắc phục ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường do bão, lũ gây ra.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố nêu trên chủ động phối hợp với các Đài Khí tượng Thuỷ văn khu vực, các Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn tỉnh, Chi cục Bảo vệ Môi trường, các cơ quan thuộc tỉnh, chủ các công trình thủy điện, hồ chứa để tổ chức công tác phòng, tránh và khắc phục hậu quả do bão, mưa, lũ gây ra; theo dõi chặt chẽ và báo cáo kịp thời tình hình bão, lũ, sạt lở đất cho Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

8. Cục Khí tượng Thuỷ văn và Biến đổi khí hậu giúp Bộ trưởng đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Công điện này, báo cáo Lãnh đạo Bộ để chỉ đạo kịp thời.

9. Các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt trong khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, khẩn trương triển khai công tác phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do bão, lũ gây ra và kịp thời báo cáo tình hình thiệt hại về Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của Bộ. 

 Công điện của Bộ trưởng Bộ TN&MT về ứng phó với cơn bão số 5 

www.monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục