* Việt Nam chưa có bản đồ đa dạng sinh học
Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học cao trên thế giới. Đặc điểm về vị trí địa lý, khí hậu ... của Việt Nam đã góp phần tạo nên sự đa dạng về hệ sinh thái và các loài sinh vật. Hệ sinh thái của Việt Nam rất đa dạng như: Rừng mưa thường xanh cận nhiệt đới ở phía Bắc cho tới rừng khộp nhiệt đới ở phía Nam, tới rừng ngập mặn và các hệ sinh thái ngập nước ven biển. Đến nay đã thống kê được gần 13.000 loài thực vật, nhiều nhóm có tính đặc hữu cao, nhiều loài loài đặc hữu có giá trị khoa học và thực tiễn lớn.
Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có hệ thống bản đồ đa dạng sinh học để làm cơ sở thống nhất cho công tác quản lý, quy hoạch và bảo tồn các loài sinh vật và hệ sinh thái. Các bản đồ thường chỉ là sản phẩm của các dự án được thực hiện một cách độc lập ở các địa phương hoặc trung ương và chưa được quản lý một cách thống nhất. Do đó việc xây dựng các kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững là hết sức cần thiết.
Một số hoạt động trong nghiên cứu
* Xây dựng bản đồ đa dạng sinh học cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ
Xuất phát từ thực tiễn đặt ra, các nhà khoa học thuộc Viện Sinh thái học Miền Nam đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng công nghệ viễn thám, GIS kết hợp với dữ liệu sinh khí hậu trong nghiên cứu và quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu, khai thác và ứng dụng công nghệ và cơ sở dữ liệu viễn thám phục vụ công tác điều tra, nghiên cứu và bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Đồng thời, sử dụng dữ liệu ảnh vệ tinh xây dựng bản đồ hiện trạng và phân tích đánh giá thay đổi phân bố không gian của thảm phủ - rừng bốn giai đoạn: trước 1980 đến 1990, 1990 đến 2000, 2000 đến 2010 và 2010 đến nay (2017-2018); Xây dựng bộ dữ liệu sinh khí hậu sử dụng công nghệ GIS phân tích nội suy; Xây dựng bản đồ đa dạng sinh học ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ dựa trên phân tích mô phỏng phân bố loài trong mối tương quan với điều kiện sinh khí hậu và biến đổi thảm phủ rừng. Đồng thời quy hoạch bảo tồn các ‘điểm nóng’ ưu tiên bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Trong quá trình thực hiện nghiên cứu, đề tài khai thác nguồn dữ liệu vệ tinh về thảm phủ, biến động rừng trong khu vực, mô phỏng phân bố các loài quý hiếm và xác định các khu vực trọng tâm ưu tiên bảo tồn để các cơ quan và tổ chức trong khu vực nghiên cứu tham khảo và xây dựng các kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương, đồng thời đóng góp cơ sở khoa học và cách tiếp cận mới cho việc lập Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 174/QĐ–TTg ngày 03/02/2021 của Chính phủ.
Đến nay, đề tài đã có các kết quả quan trọng, xác định được các khu vực trọng tâm ưu tiên bảo tồn bổ sung cho hệ thống rừng đặc dụng hiện có, qua đó tạo cơ sở khoa học phục vụ các kế hoạch bảo tồn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.
Đặc biệt, lần đầu tiên ở Việt Nam, dữ liệu tọa độ phân bố của 114 loài/259 loài động, thực vật có tầm quan trọng bảo tồn của khu vực nghiên cứu được tổng hợp. Các nhà khoa học Viện Sinh thái Miền Nam đã xây dựng và hiệu chỉnh độ chính xác bản đồ phân bố tiềm năng của các loài động thực vật, là cơ sở sử dụng để xây dựng bản đồ đa dạng sinh học cho vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.