,

Quản lý hành lang bờ biển bằng công nghệ viễn thám

Đề tài “Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển Bắc Bộ, thí điểm tại tỉnh Nam Định” đã được nhóm nghiên cứu của Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai thực hiện thành công góp phần hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả tại địa phương.

 

Còn thiếu thông tin dữ liệu vùng bờ

Thiết lập hành lang vùng bờ là hoạt động với các mục đích tốt đẹp nhằm bảo vệ hệ sinh thái, cảnh quan tự nhiên của bờ biển; bảo vệ người dân, cơ sở hạ tầng khỏi các tác động xấu của thiên tai và đảm bảo quyền tiếp cận của người dân đối với biển.

Theo quy định, để thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, một khối lượng khổng lồ thông tin, dữ liệu liên quan đến vùng bờ cần được thu thập, xây dựng như: hải văn biển, điều kiện tự nhiên vùng bờ, kinh tế - xã hội, hệ sinh thái vùng bờ, quy hoạch phát triển kinh tế… Tuy nhiên, thông tin, dữ liệu liên quan đến vùng bờ tại các địa phương vẫn còn hạn chế như thiếu đồng bộ, không được cập nhật thường xuyên và không đầy đủ. Điều này gây khó khăn cho việc thiết lập hành lang bảo vệ đường bờ.

Viễn thám và GIS - công cụ hữu hiệu trong quản lý và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển

Với thuộc tính kỹ thuật chụp ảnh liên tục trên quỹ đạo, công nghệ viễn thám cho phép theo dõi các thay đổi hiện trạng hành lang bảo vệ bờ biển theo thời gian và cung cấp thông tin cho người quản lý giúp hỗ trợ việc ra quyết định kịp thời trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả.

Xuất phát từ vai trò và tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ viễn thám, nhóm nghiên cứu của Cục Viễn thám quốc gia đã triển khai thực hiện đề tài: “Ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển Bắc Bộ, thí điểm tại tỉnh Nam Định”.

Bản đồ hành lang bảo vệ bờ biển khu vực ven biển Bắc Bộ

Thông qua nghiên cứu này đã góp phần xây dựng cơ sở khoa học, thực tiễn cũng như đánh giá khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ công tác phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; cung cấp cơ sở khoa học, thực tiễn việc ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; đề xuất mô hình giám sát hành lang bảo vệ bờ biển sử dụng công nghệ viễn thám đa đầu thu, đa độ phân giải; đồng thời, đánh giá được khả năng ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý hành lang bờ biển.

Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia - Tiến sỹ Trần Tuấn Ngọc, Chủ nhiệm đề tài cho biết, bằng việc sử dụng công nghệ viễn thám với chụp ảnh liên tục trên vệ tinh, cung cấp chuỗi các hình ảnh trực quan, khách quan, bao quát, chi tiết về bề mặt Trái đất trong thời gian dài đã cho thấy bức tranh tổng quát về diễn biến biến động bờ sông, bờ biển trên khu vực các tỉnh ven biển từ quá khứ cho tới hiện tại. Với độ phủ trùm của ảnh viễn thám lớn nên các thông tin về biến động bờ sông, bờ biển thu chụp được là đồng nhất. Thông tin khai thác được từ ảnh viễn thám còn là các đối tượng liên quan như thông tin về kè, đê, đập, lớp phủ mặt đất…

Đối với nguyên nhân nội sinh, bằng việc cung cấp hình ảnh trên diện rộng nên viễn thám có thể trợ giúp trong phân tích cấp hình ảnh về cấu trúc địa chất. Còn đối với nguyên nhân ngoại sinh, viễn thám có thể cung cấp hầu hết các thông tin về trường sóng như hướng sóng, độ cao sóng, hướng dòng chảy, tốc độ dòng chảy, hàm lượng chất lơ lửng trong bề mặt nước biển

Bên cạnh đó, qua phân tích các thông tin về biến động đường bờ sông, bờ biển trong quá khứ và hiện tại cũng như các thông tin liên quan khác như việc xây các hồ chứa lớn trên các sông chính…, các cơ quan quản lý sẽ đánh giá được xu thế của biến động trong tương lai để kịp thời đưa ra các giải pháp chống xói lở đường bờ.
Đặc biệt, công nghệ viễn thám và GIS là công cụ hữu hiệu trong quản lý và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển. Với thuộc tính kỹ thuật chụp ảnh liên tục trên quỹ đạo, công nghệ viễn thám cho phép theo dõi các thay đổi hiện trạng hành lang bảo vệ bờ biển theo thời gian và cung cấp thông tin cho người quản lý góp phần đưa ra quyết định kịp thời quản lý, bảo vệ và sử dụng hành lang bảo vệ bờ biển một cách hiệu quả. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đề tài kiến nghị Bộ TN&MT cần tăng cường, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thám và GIS trong công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển nói riêng và vùng bờ nói chung trong thời gian tới.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục