,

Đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc trên bản đồ của Google Maps không có giá trị pháp lý

Thời gian qua, nhiều trang thông tin điện tử trên mạng đã phản ánh việc bản đồ trực tuyến Google Maps mô tả sai lệch đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Ngày 20-3 người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta Nguyễn Phương Nga đã lên tiếng yêu cầu Google chỉnh sửa những sai sót này theo bản đồ chính thức hiện hành của VN.

 Theo Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam, hiện nay trên Google Maps đường biên giới Việt Nam-Trung Quốc nói riêng và lãnh thổ Việt Nam nói chung có rất nhiều sai sót. Đối với luật pháp quốc tế và từng quốc gia, đường biên giới lãnh thổ các nước trên Google Maps không có giá trị pháp lý.

Bản đồ trên Google Maps chỉ có giá trị tham khảo

Thành lập năm 1998,  Công ty Google có tên giao dịch Googleplex (trụ sở tại Amphitheatre Parkway, Mountain View, CA 94043, Hoa Kỳ).

Google Maps Maker là một dịch vụ của Google, cho phép mọi người trên toàn thế giới cùng góp sức tạo bản đồ hành chính, giao thông, du lịch cho các quốc gia và vùng lãnh thổ. Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa các yếu tố trên bản đồ, những dữ liệu đó được đưa lên Google Maps làm bản đồ chính thức. Tương tự như vậy, tất cả mọi người trên thế giới đều có quyền kiểm duyệt và đánh giá tính chính xác của thông tin trên bản đồ.

Hiện Google Maps Maker cho phép chỉnh sửa, bổ sung các yếu tố nội dung trên bản đồ của 175 quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực Đông Âu, trong đó có Việt Nam. Với phương thức này, bản đồ trên Google Maps là sản phẩm của nhiều người tham gia bổ sung, chỉnh sửa thông tin một cách tùy ý, không có chủ thể cụ thể chịu trách nhiệm về tính chính xác, đúng đắn nên bản đồ chỉ sử dụng để tham khảo, hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Vì lẽ đó, cùng một khu vực được thể hiện trên bản đồ rất khác so với trên ảnh vệ tinh trong Google Maps. Chẳng hạn hình ảnh khu vực Lào Cai, ảnh chụp từ vệ tinh khu vực sông Hồng gặp sông Nậm Thi là một dòng chảy duy nhất, nhưng trên lớp bản đồ nơi đây có 2 dòng với một bãi nổi rất lớn, ngoài ra nhiều đường phố, nhà cửa ở khu vực này nằm giữa dòng sông(!)  Tình trạng các yếu tố trên mặt đất được thể hiện trên lớp bản đồ của Google Maps sai lệch nhiều so với hình ảnh chụp từ vệ tinh của chính Google Maps xuất hiện ở rất nhiều khu vực khác.

1449,566 km đường biên giới đã được 2 quốc gia thừa nhận

1.449,566 km đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đã được hai nước phân giới cắm mốc và hoàn tất  vào ngày 31 tháng 12 năm 2008. Đây là kết quả của sự nỗ lực giữa hai nước trong suốt quá trình gần 10 năm thực hiện “ Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước CHXHCN Việt Nam và nước CHND Trung Hoa” nhằm xác lập một đường biên giới trên đất liền hoàn chỉnh, được thể hiện rõ ràng trong các văn bản pháp lý và các bản đồ kèm theo, được phân giới và đánh dấu trên thực địa bằng một hệ thống mốc quốc giới chính quy và hiện đại; thay cho đường biên giới cũ được hoạch định  giữa Pháp và triều đình nhà Thanh của Trung Quốc.

Ngày 18 tháng 11 năm 2009 tại Bắc Kinh -Trung Quốc, đại diện Chính phủ hai Nước đã ký Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc bao gồm bộ bản đồ thể hiện hệ thống mốc và đường biên giới và các tài liệu liên quan cùng hai văn kiện: Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định về cửa khẩu và Quy chế Quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung  Quốc.

Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu từ ngã ba biên giới giữa ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Lào đến điểm số 1 nằm ở cửa sông Bắc Luân trên đường phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc. Theo đó, tổng chiều dài đường biên giới là 1449,566km, trong đó đường biên giới trên đất là 1065,652km, đường biên giới trên sông suối là 383,914km. Trên biên giới có 1378 vị trí mốc giới  chính, 402 vị trí mốc giới phụ. Hai bên đã cắm tổng cộng 1970 cột mốc (không kể cột mốc ngã ba biên giới) bao gồm: 1627 cột mốc đơn, 232 cột mốc đôi 111 cột mốc ba. Vị trí mỗi cột mốc giới đều được đo xác định tọa độ, độ cao bằng thiết bị GPS 2 tần số. Số liệu tọa độ, độ cao vị trí các mốc là số liệu pháp lí‎ và được sử dụng để triển khai vị trí các mốc lên bản đồ đính kèm Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Riêng đoạn biên giới qua địa phận tỉnh Lào Cai (của Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (của Trung Quốc) bắt đầu từ mốc giới số 84 đến mốc giới số 172, với tổng cộng 127 cột mốc trong đó có 58 cột mốc đơn, 50 cột mốc đôi cùng số, 15 cột mốc ba cùng số, 4 cột mốc phụ và tổng chiều dài trên 185,079km (phần biên giới theo sông suối là 127,549km, phần biên giới trên đất là 57,530km). Tuyến biên giới chủ yếu đi theo sông, một đoạn đi theo sống núi, theo phân thủy. Các sông biên giới trên địa bàn tỉnh Lào Cai là sông Lũng Pô, sông Hồng, sông Nậm Thi, sông Bá Kết, sông Xanh, sông Chảy.

Đường biên giới lịch sử trên sông qua địa bàn tỉnh Lào Cai từ trước đến nay vẫn đi theo các con sông nói trên; đường biên giới trên bản đồ do hai bên xuất bản từ trước đến nay đều được vẽ theo các sông; đường biên giới trên bản đồ biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc đính kèm Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam- Trung Quốc cũng được vẽ theo các sông đó với đầy đủ vị trí các cột mốc.

Google inc cần chịu trách nhiệm về thông tin sai lệch  trên Google Maps

Trong khi Google Maps Maker cho phép bất kỳ ai cũng chỉnh sửa, bổ sung các yếu tố nội dung bản đồ trên Google Maps, song với đường biên giới quốc gia, Công ty Google Inc có điều khoản: “Chúng tôi đã khoá các đường biên giới quốc gia do đó không một ai ngoài nhóm sản phẩm Google Map Maker có thể chỉnh sửa hoặc kiểm duyệt chúng. Thậm chí ngay trong nhóm, chúng tôi cũng giới hạn quyền truy cập chỉnh sửa đường biên giới quốc gia cho một vài người thực hiện chỉnh sửa dựa trên các nguồn dữ liệu chính xác, khách quan của bên thứ ba và tuân theo các quy ước quốc tế. Các chỉnh sửa đường biên giới quốc gia trong Map Maker hiện không được đưa vào Google Maps; đúng hơn là Google Maps chủ yếu dựa vào các nguồn dữ liệu có tính trung lập, chất lượng cao của bên thứ ba cho đường biên giới quốc gia. Phần lớn các nguồn dữ liệu này được trích dẫn trong Google Maps trong phần bản quyền ở cuối trang.”

Mặc dù Google Inc không trích dẫn trong Google Maps bản quyền về đường biên giới quốc gia Việt Nam- Trung Quốc và bản đồ khu vực lãnh thổ Việt Nam, song với quy định và phương thức trên đây rõ ràng Công ty Google Inc phải chịu trách nhiệm về việc phản ánh sai thông tin về biên giới Việt Nam- Trung Quốc, về lãnh thổ Việt Nam và phải sớm loại bỏ thông tin sai khác sự thật đó, thể hiện đường biên giới quốc gia Việt Nam - Trung Quốc trên Google Maps đúng như đường biên giới theo bản đồ chính thức hiện hành của Việt Nam và trung Quốc, đồng thời cần chỉnh sửa những sai khác tại các khu vực khác trên bản đồ khu vực lãnh thổ Việt Nam cho đúng. Đó là việc làm cần thiết để góp phần làm cho thông tin trên Google Maps trở thành tài liệu tham khảo hữu ích cho tất cả mọi người.

"Google Maps có 3 lớp. Đó là, lớp map (bản đồ) thể hiện các đối tượng địa lí trên mặt đất: Giao thông, thủy hệ (biển, sông suối, kênh mương, hồ), trường học, bệnh viện… vị trí và ghi chú  một số địa danh, đường biên giới; lớp Satellite là lớp ảnh chụp từ vệ tinh các khu vực tương ứng được thể hiện trên lớp bản đồ và lớp Terrain thể hiện dáng địa hình"

Monre

Tin cùng chuyên mục