,

Chuẩn hóa địa danh để tránh sự tranh chấp về lãnh thổ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn

Địa danh đã chuẩn hoá được đưa vào sử dụng rộng rãi và thống nhất trên tất cả các ấn phẩm, các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt được đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về mặt chính trị - xã hội, kinh tế cũng như hội nhập quốc tế. Việc chuẩn hóa địa danh để tránh sự tranh chấp về lãnh thổ, bảo vệ thương hiệu của doanh nghiệp; tạo thuận lợi trong việc tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn…

Tránh sự tranh chấp về lãnh thổ

Trước hết sẽ tránh được những tranh cãi quốc tế về chính trị. Có thể dẫn ra những ví dụ điển hình về việc tranh chấp địa danh dưới đây. Hiện tại ngành bưu điện của Balan từ chối thư gửi theo những địa danh cũ (thời phát xít Đức chiếm đóng Ba Lan). Hy Lạp từ chối chấp nhận Macedonia là địa danh thuộc Liên bang Nam Tư cũ mà coi địa danh đó là chỉ một địa điểm tại Bắc Hy Lạp. Đối với nước ta, việc chuẩn hoá địa danh biển, đảo, địa danh vùng biên giới là đặc biệt quan trọng. Những địa danh này sau khi trình nộp cho UNGEGN để phổ biến rộng rãi trên thế giới sẽ là căn cứ pháp lý vững chắc tránh những tranh cãi trong tương lai về chủ quyền lãnh thổ.

Góp phần vào sự hội nhập quốc tế

Ngày 7 tháng 11 năm 2006, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), đánh dấu một bước đáng kể trong quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Sự giao lưu của Việt Nam với thế giới sẽ trở nên nhộn nhịp, sôi động hơn và mỗi con người chúng ta sẽ có nhiều cơ hội để giao tiếp, làm việc với bạn bè khắp thế giới.

Trong quá trình giao tiếp, làm việc không thể không nhắc đến địa danh nào đó và nếu chúng ta sử dụng địa danh không chuẩn sẽ gây ra những hiểu lầm hoặc không hiểu. Các bạn Quốc tế hiện đang công tác, học tập tại Việt Nam tuy có thể đánh vần được chữ Việt nhưng không thể tìm trên bản đồ của chúng ta những địa danh mà họ quan tâm cho dù đó là tên của Quốc gia, thủ đô hay thành phố lớn. Học sinh, cán bộ của chúng ta khi ra nước ngoài công tác, học tập gặp rất nhiều khó khăn khi nói và viết về địa danh của các nước bạn, ngay cả đối với các nước láng giềng. Vì vậy, chúng ta cần phải chuẩn hoá địa danh Việt Nam, trình cho UNGEGN để họ phổ biến cho cả thế giới có thể đọc đúng địa danh Việt Nam, đồng thời chúng ta cũng cần chuẩn hoá việc phiên chuyển địa danh Quốc tế, sử dụng các địa danh đã Latinh hoá của các nước đã trình nộp cho UNGEGN để người Việt Nam có thể đọc đúng các địa danh Quốc tế.

Góp phần vào việc bảo vệ thương hiệu hàng hóa

Có một loại thương hiệu hàng hóa gắn liền với Địa danh vì vậy việc đăng ký chỉ dẫn địa lý trong đó Địa danh, tọa độ của đối tượng mang địa danh là những yếu tố không thể thiếu. Địa danh đã được chuẩn hóa sẽ góp phần rất đáng kể cho việc đăng ký chỉ dẫn địa lý. Những thương hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam đã được Thế giới công nhận với chỉ dẫn địa lý cụ thể như: nước mắm Phú Quốc, café Buôn Ma Thuột, kẹo dừa Bến Tre v.v…

Góp phần vào việc cứu hộ, cứu nạn

Đã có những thảm họa nhân đạo trong việc cứu hộ, cứu nạn liên quan đến nhầm lẫn địa danh nên tổ chức cứu hộ, cứu nạn Thế giới rất quan tâm đến việc chuẩn hóa địa danh. Nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc yêu cầu các nước chuẩn hóa địa danh và lập danh mục địa danh đã được chuẩn hóa để phổ biến trên toàn Thế giới. Danh mục Địa danh đã được chuẩn hóa bao gồm tên gọi đúng của địa danh kèm theo tọa độ địa lý và sự phụ thuộc của địa danh theo đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh).

Tránh những phiền toái trong cuộc sống

Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta đều phải xem tivi, đọc báo, nghe đài. Cùng nói về một địa danh nhưng các đài phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương lại nói khác nhau, các báo viết khác nhau khiến cho người dân không biết phải đọc, phải viết thế nào cho đúng. Ví dụ: Li băng/Libano, Bờ Biển Ngà/Côt di Voa, Ma-xcơ-va/Matcơva/Maxcơva... Học sinh lại phải đọc và viết địa danh theo sách giáo khoa và bản đồ giáo khoa không giống với các phương tiện thông tin đại chúng, không giống với các bản đồ địa hình, bản đồ chuyên đề do Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Bộ, ngành khác xuất bản làm cho các em hết sức lúng túng và nghi ngờ về người lớn. Người lớn muốn nói kiểu gì cũng đúng và đều phải nghe.

Thúc đẩy sự hoàn thiện của ngôn ngữ Việt

Trong quá trình chuẩn hóa địa danh sẽ cho thấy những hạn chế của chính tả tiếng Việt cũng như hệ thống chữ Quốc ngữ của chúng ta. Do bộ chữ cái hiện tại và chính tả tiếng Việt mà việc phiên chuyển địa danh quốc tế cũng như địa danh các dân tộc Việt Nam sang tiếng Việt gặp rất nhiều khó khăn. Quá trình chuẩn hóa sẽ đòi hỏi và thúc đẩy những cải cách tiếng Việt. Ví dụ nếu chính tả cho phép dùng chữ K với các nguyên âm a, o, u, cho phép dùng chữ “f” thay cho chữ “ph”, cho phép dùng chữ z, j trong những trường hợp cần thiết thì sẽ làm cho việc phiên âm kết hợp với chuyển tự các địa danh có tự dạng Latinh và Latinh hoá dễ dàng hơn và mặt chữ sau khi phiên chuyển gần với nguyên ngữ và đẹp hơn, dễ tra cứu hơn.

Trong quá trình chuẩn hoá cũng luôn phải lưu tâm đến phương ngữ (cách phát âm khác nhau giữa các địa phương khác nhau đối với cùng một âm, các tiếng địa phương) điều này làm cho địa danh được làm chính xác hơn, có ý nghĩa hơn. Chẳng hạn nếu chuẩn thì Dung Quất phải được gọi và viết là Vụng Quýt, Văn Phong phải được viết là Vân Phong, hay khi nào thì viết s hay x, tr hay ch, ă hay â,…

Monre

Tin cùng chuyên mục