,

Dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi: Chống “chảy máu” tài nguyên quốc gia

Việc sửa đổi Luật Khoáng sản là cần thiết nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước, hạn chế các bất cập hiện đang làm “chảy máu” tài nguyên của đất nước.

Ngày 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi.

Xóa bỏ cơ chế “xin – cho”

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế cho biết, qua thảo luận, đa số các ý kiến tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật Khoáng sản sửa đổi, bởi sau 14 năm thi hành Luật cho thấy nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tế, một số vấn đề mới phát sinh chưa được điều chỉnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên, việc cấp phép hoạt động khoáng sản vẫn mang “hơi hướng” của cơ chế “xin-cho”, chưa ngăn chặn hiệu quả tình trạng đầu cơ trong hoạt động khoáng sản, thiếu các quy định để tăng thu cho ngân sách nhà nước.

“Phải giải quyết cơ bản các vấn đề bức xúc, nổi cộm, bãi bỏ các quy định bất cập, bổ sung quy định những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, những vấn đề đã có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn thì cần quy định chi tiết ngay trong nội dung của Luật”, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

Nhiều điểm mới được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, như luật hóa các quy định liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm quản lý Nhà nước về khoáng sản của Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các cấp; bỏ quy định về cấp giấy phép khảo sát khoáng sản, lồng ghép hoạt động chế biến khoáng sản và giấy phép khai thác khoáng sản; bỏ quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản ở khu vực ngoài quy hoạch.

...bằng cách thực hiện việc đấu giá

Một trong những vấn đề được các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận là đấu giá quyền thăm dò – khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Thường trực Ủy ban Kinh tế và đa số ý kiến tán thành về mặt nguyên tắc đối với quy định về đấu giá các quyền trên.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ làm thí điểm đấu giá tại một số khu vực khoáng sản và xây dựng quy chế đấu giá chặt chẽ. Nhà đầu tư trúng đấu giá vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí trong hoạt động khoáng sản.

“Luật chỉ nên quy định tính nguyên tắc trong đấu giá quyền thăm dò-khai thác khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, các nội dung cụ thể, chi tiết nên giao cho Chính phủ quy định”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền kiến nghị.

Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển bày tỏ ý kiến về căn cứ để định giá, đấu giá quyền thăm dò-khai thác khoáng sản. “Giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường đứng ra đấu giá một số tài nguyên do cơ quan này cấp phép đã hợp lý chưa?”, ông Hiển bày tỏ.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai lưu ý, việc thăm dò của các doanh nghiệp là cần thiết, nhưng sau này chính các doanh nghiệp này lại tham gia đấu giá khai thác. Do đó, liệu có xảy ra tình trạng họ không báo cáo trung thực tỉ lệ trữ lượng khoáng sản với Nhà nước?

...và tăng cường quản lý

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước lo lắng trước thực trạng thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách hiện nay. Theo đó, ông K’sor Phước tha thiết dự thảo Luật cần thiết kế điều khoản về giám sát việc thăm dò, khai thác khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba hiến kế: Để tăng thu cho ngân sách, đảm bảo tính minh bạch, cần đấu giá quyền khai thác khoáng sản chứ không thể cấp phép theo cơ chế xin - cho như hiện nay để xảy ra các trường hợp lợi dụng mua đi bán lại, hưởng lợi lớn từ tài nguyên quốc gia.

Bà Thu Ba cho rằng, cần tăng cường bộ máy thanh tra, kiểm tra, không nên phân cấp, “phó mặc” cho các địa phương mà cần tích cực kiểm tra, giám sát. Thực tế, việc buông lỏng quản lý đã để xảy ra nhiểu sai phạm trong hoạt động khoáng sản.

Nhắc lại câu chuyện lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản trong thời gian vừa qua ở một số địa phương, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng đặt vấn đề: Dự luật phải lập lại trật tự kỷ cương trong khai thác khoáng sản, không để tình trạng lãng phí, thất thoát tài nguyên khoáng sản quốc gia.

“Việc phân cấp cho địa phương phải thật chặt chẽ, tùy từng mức độ, những vấn đề lớn phải do Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý”, ông Vượng đưa ra ý kiến.

Theo chương trình, dự thảo Luật Khoáng sản sửa đổi sẽ được đưa ra thảo luận lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tới đây.

Monre

Tin cùng chuyên mục