,

Phải tinh tường

Chuyện kể rằng, có lần Khổng Tử thấy Nhan Hồi trong lúc nấu ăn đã bốc cơm ăn vụng nên rất bực và thất vọng về người học trò xuất sắc của mình. Khi các đệ tử đã về đông đủ và cơm canh đã chuẩn bị xong, Khổng Tử nói muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ, nhưng băn khoăn không biết nồi cơm này có sạch hay không.
 

Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch”. Rồi Nhan Hồi trình bày: “Khi mở vung ra để ghế cơm, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp, liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu vứt đi thì anh em sẽ phải ăn ít lại. Vì thế đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”.

​Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử giật mình than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật!”.

​Cuộc sống vốn phức tạp, nên việc đánh giá đúng người, đúng việc nhiều khi thật không dễ dàng. Có những nhận xét, đánh giá là chính xác, nhưng cũng có khi bản chất sự việc, hiện tượng không như ta thấy. 

​Nên thực tế trong đời sống có không ít người tốt bị hiểu lầm, phải chịu oan ức do cách nhìn nhận một chiều, phiến diện hay cố tình làm sai lệch của người khác. Lại có người biết dùng lời hay ý đẹp để che đậy bản chất chưa tốt của mình. Họ trước mặt cấp trên thì tỏ ra bênh vực, bảo vệ cấp dưới, đội mũ “thương dân” nhưng với cấp dưới thì mắng mỏ xúc phạm hết lời. Lại có người thường dỗ dành, “vuốt ve” cấp dưới, thực ra là mị dân để lấy uy tín.

Nhiều người đứng trước mặt lãnh đạo thường tỏ ra rất ngoan, nhưng sau lưng thì nói xấu lãnh đạo đủ đường. Có người tỏ ra thẳng thắn, phê bình kiểu vuốt đuôi, khiến mang lại cảm giác đây là người ngay thẳng, nhưng nếu tiếp xúc đủ lâu, ta dần thấy rõ bản chất cơ hội, nịnh trên nạt dưới của họ. Với một số việc, họ nói bâng quơ vô trách nhiệm để người khác dễ hiểu lầm dẫn đến đánh giá sai lệch. Khi có việc không như ý, họ phóng đại các mặt tiêu cực, nâng cao quan điểm, không khách quan nhìn nhận mặt tốt của người khác. 

​Vậy nên, phải tinh tường để nhận biết những người tốt và người hai mặt, cơ hội, đạo đức giả.

​Vậy nên, câu chuyện của Khổng Tử và Nhan Hồi từ thời Xuân Thu vẫn luôn có giá trị đến nay và mai sau, để muốn hiểu đúng bản chất của một sự việc, một con người cụ thể, cần đánh giá toàn diện cả một quá trình, với cách nhìn nhận khách quan, thấu đáo, hợp lý, hợp tình. 

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục