Các đại biểu tại phiên thảo luận tổ.
Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận Tại tổ 11, gồm 28 đại biểu Quốc hội 4 tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh, Ninh Thuận, Kiên Giang. Đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang chủ trì buổi thảo luận.
Về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, các đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng mặc dù sau những năm trải qua nhiều khó khăn, dịch bệnh, thiên tai, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời giúp kinh tế nước ta đã phục hồi nhanh đạt được những kết quả khá toàn diện, tích cực trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, các đại biểu cũng bày tỏ lo lắng về việc suy thoái kinh tế dẫn đến mất việc làm và lạm phát gia tăng, do đó đề nghị cần tìm rõ sớm các giải pháp kịp thời cho những vấn đề này.
Về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao việc quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và công trình phúc lợi công cộng tiếp tục được tăng cường; công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các Bộ, ngành và địa phương cơ bản chặt chẽ, tiết kiệm. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, khoáng sản được tăng cường, góp phần phòng, chống thất thoát lãng phí hiệu quả. Tuy nhiên hiện nay còn nhiều công trình xây dựng bỏ không bị xuống cấp gây thất thoát, lãng phí.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà, Giám đốc Agribank Tuyên Quang phát biểu thảo luận.
Về các bất cập liên quan đến luật đất đai hiện nay, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cho rằng Chính phủ cần giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường có quy định hướng dẫn trong việc giải phóng mặt bằng, giao đất công để thực hiện các dự án có hiệu quả. Thêm vào đó, cần xem xét hoàn thiện sớm các quy định về giá đất để tạo điều kiện thực hiện các dự án đầu tư công; xem xét các quy định về đối với các thủ tục đầu tư xây dựng và chuyển đổi đất rừng.
Các đại biểu cũng nêu một số khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành sửa đổi, bổ sung Nghị định, các thông tư hướng dẫn thực hiện về quy định cơ chế, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm so với kế hoạch.
Về chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cũng cơ bản nhất trí và cho rằng việc tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp trong tình hình hiện nay là rất cần thiết nhằm đảm bảo cho hoạt động cũng như đóng góp vào phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm, làm rõ hơn phương án tăng vốn và đánh giá hiệu quả tác động kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã được triển khai thông qua tại Nghị quyết số 70/2022/QH15 ngày 11/11/2022 nhưng đến nay còn vướng mắc chưa triển khai thực hiện được.