,

Sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011: Tăng 21,7% so với cùng kỳ 2010

Theo Sở Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm toàn tỉnh thực hiện 1.100 tỷ đồng, đạt 42% kế hoạch năm, tăng 21,7% so với cùng kỳ 2010. Phân theo ngành kinh tế cấp I, công nghiệp khai thác tăng 15,4%; công nghiệp chế biến tăng 21% và điện nước tăng 29%. Về chỉ số phát triển, 6 tháng đầu năm 2011 tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, tăng cao nhất là công nghiệp sản xuất, phân phối (điện, nước) tăng 27,4%. Công nghiệp chế biến tăng 15,8% và công nghiệp khai thác tăng 9,1%.

Trong các mặt hàng sản phẩm công nghiệp sản xuất trong 6 tháng đầu năm có 3 sản phẩm đạt thấp là cán thép, nước máy và sản phẩm thuộc da, còn lại đều tăng khá cao so với cùng kỳ năm 2010. Cao nhất là điện sản xuất, tăng 54,6%; quặng Vonfram tăng 47,4%; xi măng tăng 126,1%; giấy xuất khẩu tăng gần 50%; gỗ tinh chế tăng 152,6%. Tuy nhiên bột kẽm lại giảm 26%; bột đá mịn giảm 44,25%. Các sản phẩm công nghiệp tuy tăng cao so với cùng kỳ, nhưng còn đạt thấp so với kế hoạch. Trong số 25 mặt hàng sản phẩm công nghiệp hiện mới có 10 mặt hàng thực hiện đạt trên 50% kế hoạch, còn lại đạt mức thấp. Tiến độ và giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2011 đạt thấp so với kế hoạch, do 3 yếu tố tác động là: Tình trạng lạm phát; chi phí đầu vào tăng và chịu lãi suất cao của các ngân hàng thương mại. Trong số doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, thì Công ty cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang, có 5 đơn vị thành viên (xí nghiệp Thiếc Sơn Dương; xí nghiệp Thiếc Bắc Lũng; xí nghiệp Vonfram Thiện Kế; Bột kẽm Tuyên Quang và Ăngtimon Đầm Hồng), hiện chỉ có 3 đơn vị hoạt động.

Do vay vốn với lãi suất cao, sản phẩm làm ra không đủ chi phí đầu vào. Ví dụ, Xí nghiệp Bột kẽm Tuyên Quang, hiện mỗi tấn sản phẩm của đơn vị sản xuất ra phải bù lỗ 1,5 triệu đồng; đây là nguyên nhân doanh nghiệp thu hẹp và tạm dừng sản xuất. Với Mỏ sắt và Cán thép Tuyên Quang 6 tháng đầu năm mới thực hiện được 5% kế hoạch năm; hiện doanh nghiệp đang tạm dừng sản xuất, chờ đầu tư nâng cấp và cải tiến thiết bị. Bên cạnh các doanh nghiệp sản xuất khó khăn, còn một số dự án lớn có kế hoạch đi vào sản xuất từ đầu năm 2011, nhưng chậm tiến độ xây dựng đã làm ảnh hưởng đến giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Để hoàn thành kế hoạch giá trị sản xuất công nghiệp 2.578,1 tỷ đồng trong năm 2011, 6 tháng cuối năm toàn tỉnh thực hiện 1.496 tỷ đồng, chiếm 58% kế hoạch. Để đạt mục tiêu trên, hiện ngành công nghiệp đã triển khai các giải pháp chủ yếu như: Cung cấp đủ nguồn điện và đảm bảo liên tục cho sản xuất; các cơ quan quản lý nhà nước phối hợp chặt chẽ cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, nguồn vốn… tạo thuận lợi cho sản xuất phát triển. Đôn đốc các chủ dự án công nghiệp trọng điểm, như: Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa; Nhà máy Phôi thép Hằng Nguyên và thủy điện Chiêm Hóa... đẩy nhanh tiến độ xây dựng, sớm đi vào sản xuất. Tạo điều kiện cho sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp trong khu vực nông thôn phát triển; thu hút nhiều lao động và sản xuất các mặt hàng có giá trị kinh tế cao; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH và chuyển dịch lao động từ thủ công sang lao động kỹ thuật;  tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp về chế biến nông lâm sản; sản xuất vật liệu xây dựng; khai thác và chế biến sâu khoáng sản. Phối hợp cùng các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, để các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn.

* Ảnh: Công trình Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa đang hoàn tất xây dựng, dự kiến tháng 9-2011 chính thức bước vào sản xuất.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục