,

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII: Quốc hội thông qua 2 Luật và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát năm 2010

Chiều 17/11, Quốc hội họp tại Hội trường, thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011.  

*Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm niêm yết công khai giá       

Với 82,35% số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/07/2011. Luật quy định rõ: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa; niêm yết công khai giá hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm kinh doanh, văn phòng dịch vụ; cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa. Tổ chức, cá nhân kinh doanh cũng phải cung cấp thông tin về khả năng cung ứng linh kiện, phụ kiện thay thế của hàng hóa; cung cấp hướng dẫn sử dụng; điều kiện, thời hạn, địa điểm, thủ tục bảo hành trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ có bảo hành; thông báo chính xác, đầy đủ cho người tiêu dùng về hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung trước khi giao dịch. Luật cũng quy định Tòa án áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi có đủ các điều kiện: Cá nhân là người tiêu dùng khởi kiện; tổ chức, cá nhân trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng bị khởi kiện; vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng; giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng.

*Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản         

79,31% đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Luật Khoáng sản (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ 1/7/2011. Theo Luật, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Nhà nước thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá hoặc không đấu giá. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được xác định căn cứ vào giá, trữ lượng, chất lượng khoáng sản, loại hoặc nhóm khoáng sản, điều kiện khai thác khoáng sản. Chính phủ sẽ quy định cụ thể phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Luật cũng quy định rõ các hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: Đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản; ở khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. UBND cấp tỉnh cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, khoáng sản tại các khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được khoanh định và công bố; Giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Bộ Tài nguyên và Môi trường có thẩm quyền cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, Giấy phép khai thác khoáng sản không thuộc các trường hợp trên.             

*Năm 2011, Quốc hội giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề           

83,16% số đại biểu có mặt đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2011. Theo Nghị quyết, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XII, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa XII của Quốc hội, Chủ tịch nước, UBTVQH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; tiến hành hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (nếu có). Tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIII, Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII. Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII sẽ giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Monre

Tin cùng chuyên mục