,

Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính

Trong cải cách thủ tục hành chính, một trong những yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết kịp thời, hiệu quả yêu cầu nhiệm vụ, tăng cường hiệu lực của bộ máy công quyền. Thực hiện mục tiêu này, 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị, các cấp chính quyền trong tỉnh đã đầu tư kinh phí mua máy vi tính, xây dựng hệ thống mạng nội bộ, nối mạng Internet để giải quyết công việc của nhân dân một cách nhanh chóng, chính xác.

Hiệu quả thiết thực

Đến nay, phần lớn các sở, ngành và nhiều đơn vị trong tỉnh đã nối mạng nội bộ. Hệ thống mạng nội bộ có hiệu quả thiết thực trong việc giải quyết công việc của cơ quan và những quyền lợi từ phía người dân.

Ngành y tế tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc ứng dụng công nghệ thông tin giải quyết nhanh chóng yêu cầu của người bệnh. Bệnh viện Đa khoa Tuyên Quang là một điển hình. Ông Hoàng Việt Phương, Giám đốc Bệnh viện cho biết, năm 2009, từ nguồn kinh phí của đơn vị đã đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng hệ thống mạng nội bộ “liên thông” với các khoa, phòng. Công tác quản lý hồ sơ bệnh án, thủ tục liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh đều được đưa lên mạng nội bộ. Cán bộ y tế chỉ cần bấm chuột vào dữ liệu là có thể tìm được đầy đủ các thông tin liên quan đến người bệnh, không cần người bệnh phải trình sổ, giấy tờ gì khác. Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý của bệnh viện còn mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh và thân nhân của họ. Người bệnh chỉ cần cầm số khám bệnh đến các khoa, phòng là được đáp ứng các yêu cầu khám, chữa bệnh, không còn phải chờ đợi lâu như trước. Chị Phạm Thị Nhịp, ở phường Minh Xuân (thị xã Tuyên Quang) cho biết, chị bị đau bụng cấp tính, phải nhập viện lúc nửa đêm. Cả nhà lo lắng, vội vàng quên không mang theo giấy tờ gì. Chị nhớ số thẻ bảo hiểm của mình, bác sỹ truy cập lên mạng, chị cầm số khám bệnh đến các khoa, phòng là có đầy đủ họ tên của chị hiện lên máy tính. Quả là rất tiện lợi, nhanh chóng, chị và gia đình thấy rất vui và yên tâm vào hoạt động khám, chữa bệnh của bệnh viện.

Ngành tư pháp, kể cả cấp xã cũng đã ứng dụng công nghệ tin học vào hoạt động chứng thực và giải quyết các vấn đề về hộ tịch cho người dân. Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng kiến thức tin học cho khoảng 1.430 cán bộ, công chức, chủ yếu là cán bộ công chức cấp xã, bảo đảm sử dụng thành thạo máy vi tính giải quyết yêu cầu của nhân dân. Anh Lê Công Hoan, cán bộ tư pháp hộ tịch phường Tân Hà (thị xã Tuyên Quang) khẳng định, ứng dụng công nghệ thông tin đã giải quyết yêu cầu của công dân một cách nhanh chóng và mang tính chuyên nghiệp, ít khi bị sai sót. Việc đăng ký khai sinh, những thông tin liên quan đến cá nhân đều được đánh trên máy vi tính, rất nhanh, lại bảo đảm được tính chính xác và hình thức của bản khai sinh cho cháu bé.

Mục tiêu trong thời gian tới

Ông Nguyễn Đăng Dung, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đến nay, việc xây dựng cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh đã cơ bản hoàn thành, phấn đấu đến cuối năm 2010 đưa vào sử dụng. Cổng thông tin điện tử được đầu tư với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, khi đưa vào hoạt động góp phần quan trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính. Sở đã hoàn thành việc tập huấn việc sử dụng, khai thác cổng thông tin điện tử cho cán bộ chuyên môn của sở, bảo đảm quản lý, khai thác hiệu quả cổng điện tử phục vụ tích cực cho các đơn vị, công dân khai thác các thông tin về hoạt động quản lý Nhà nước, của chính quyền địa phương.

Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang triển khai đề án phần mềm quản lý văn bản hành chính và điều hành của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chính quyền cấp huyện. Phần mềm này sẽ đưa vào hoạt động trong năm nay, góp phần giải phóng cho cán bộ có thẩm quyền những sự vụ lặt vặt, tạo thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai nhanh chóng yêu cầu của mình. Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, đề án này sẽ công khai tất cả các thủ tục hành chính trên mạng Internet, kể cả thủ tục về đầu tư, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh. Tổ chức, công dân chỉ cần kích chuột vào phần tìm kiếm là biết tổ chức, đơn vị, cá nhân mình đang cần gì, thiếu thủ tục gì để hoàn thiện. Những nội dung công việc và thủ tục giải quyết đều được giải quyết trên mạng Internet; tổ chức, công dân không cần phải đến cơ quan Nhà nước như trước. Đây là một bước tiến quan trọng trong cải cách thủ tục hành chính.

Với những kết quả đạt được trong ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính đã tăng cường tính minh bạch cho hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo được niềm tin của nhân dân.                   

TQĐT

Tin cùng chuyên mục