,

Thu phí chất thải rắn sinh hoạt

Khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024.

 

* Sức ép từ chất thải rắn sinh hoạt

Hiện nay, môi trường nước ta đang tiếp tục chịu sức ép lớn từ nguồn chất thải rắn sinh hoạt. Ước tính khoảng trên 60.000 tấn thải ra mỗi ngày. Một số địa phương đã xuất hiện các điểm “nóng” về môi trường và rõ hơn ở các khu đô thị lớn với nhiều hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tính trạng này, trong đó, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn chưa áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Đến thời điểm này, việc phân loại rác tại nguồn còn gặp nhiều khó khăn. Trước hết từ phía người dân, do thói quen đổ chung tất cả rác thải vào cùng thùng rác; chưa có kinh nghiệm, kỹ năng phân loại rác. Các đơn vị thực hiện công tác thu gom rác cũng chưa có hệ thống xe chuyên dụng riêng cho từng loại rác. Thu phí rác thải theo khối lượng được nhiều nước tiên tiến thực hiện; với tác động giảm lượng rác thải.

  Để làm được điều này cần phải phân loại rác thải tại nguồn; rác có thể tái sử dụng, phần không sử dụng được chiếm tỉ lệ nhỏ hoàn toàn có khả năng tính khối lượng. Đây chính là căn cứ để tính phí phải đóng cho người xả thải.

  Theo nghiên cứu của World Bank (năm 2018), chi phí thực tế hiện tại trên một tấn rác thải ước tính là tổng chi phí là 39 USD tại Hà Nội (24 USD cho thu gom, 11 USD cho vận chuyển và 4 USD cho chôn lấp), tương đương khoảng 900 nghìn đồng. Trong khi đó, mức phí trung bình cho mỗi hộ gia đình ở Hà Nội là 26.500 đồng/hộ/tháng hoặc 218.630 đồng/tấn. Phần chênh lệch do ngân sách địa phương bù lại.

  Thời gian qua, nhiều mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn được triển khai thí điểm, thực hiện bài bản và nhân rộng. Tuy nhiên, sau khi các dự án kết thúc, các mô hình này hoạt động hiệu quả hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, các dự án không thành công là do chưa có tính bền vững trong chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ. Các hộ gia đình chưa được trang bị thiết bị để phân loại rác thải tại nguồn; các điểm trung chuyển, vận chuyển rác thải chưa được xây dựng, trang bị  đủ và hệ thông để đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xử lý riêng từng loại rác thải. Số lượng doanh nghiệp tham gia áp dụng sản xuất sinh học, tuần hoàn chưa nhiều. Ngoài ra, bố trí kinh phí và nhu cầu kinh phí để thực hiện chính sách.

Sức ép từ chất thải rắn sinh hoạt. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

* Tổ chức bài bản, khẩn trương và quyết tâm cao

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đầy đủ quy định về quản lý, thu phí chất thải rắn sinh hoạt. Cụ thể, điểm a Khoản 1 Điều 72 yêu cầu về quản lý chất thải “Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, giảm thiểu, phân loại, thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý, tiêu hủy. Khoản 7 Điều 79 quy định việc thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng được thực hiện chậm nhất trước ngày 31/12/2024. Bên cạnh đó, chính sách này được phản ánh tại Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường tại Điều 29 quy định giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

  Như vậy, còn 9 tháng thực hiện việc phân loại, thu phí chất thải rắn sinh hoạt. Theo các chuyên gia cho biết, yêu cầu tiên quyết là tổ chức khoa học, bài bản, khẩn trương, quyết tâm của người lãnh đạo từng địa phương các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia của người dân cũng như doanh nghiệp sản xuất, chủ nguồn xả thải. Phân loại, tính phí chất thải sinh hoạt... tất cả đều hướng tới mục tiêu giảm lượng rác thải ra môi trường.

  Ngoài tăng cường hoàn thiện các cơ chế, chính sách, theo các chuyên gia và nhà khoa học cũng như ý kiến thực tế của các địa phương cần tăng cường hoạt động truyền thông, hướng dẫn nghiệp vụ, phát động rộng khắp phong trào, mô hình bảo vệ môi trường, trong đó đưa chính sách thu phí chất thải rắn sinh hoạt có sức sống bền vững nhất.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục