,

Một công trình lớn bên dòng Lô lịch sử

Những ngày qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư và những người thợ trẻ của Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa tất bật công việc hoàn thiện các hạng mục của nhà máy từ tường rào, làm đường nội bộ, đến kiểm tra rà trơn thiết bị trên dây chuyền sản xuất để chuẩn bị cho lễ khánh thành nhà máy. Một công trình lớn bên dòng Lô lịch sử đã hiện hữu, hứa hẹn sự phát triển mới của Tuyên Quang.

Những kỳ tích ấn tượng

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, lần đầu tiên xuất hiện nhà máy có quy mô lớn và bề thế, đó là Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa, do Công ty cổ phần Giấy An Hòa là chủ đầu tư của 2 dự án với tổng nguồn vốn trên 10 nghìn tỷ đồng. Nhà máy được xây dựng trên mặt bằng rộng 222,6 ha. Trong đó, giai đoạn 1 (2008 - 2011) xây dựng nhà máy sản xuất bột giấy có công suất 130.000 tấn bột/năm, hệ thống thiết bị do Thụy Điển cung cấp, công ty Marubeni Nhật Bản làm tổng thầu, vốn đầu tư 5.200 tỷ đồng. Dự án Nhà máy sản xuất giấy tráng phấn cao cấp giai đoạn 2 (2010 - 2013) có công suất 140.000 tấn/năm, tổng thầu do Công ty Hansol (Hàn Quốc) thực hiện với mức đầu tư là 5.000 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Minh Sáng, Tổng Giám đốc công ty cho biết, có được mặt bằng ở cao trình 27,5 m như hôm nay, công ty đã hợp đồng với 10 nhà thầu, huy động trên 200 thiết bị, phương tiện làm việc 2 ca liên tục trong suốt 2 năm trời. Từ việc san ủi hạ thấp độ cao của những gò đồi, đến nạo vét bùn sình lầy dưới ruộng thụt để đổ đất nâng độ cao, tổng khối lượng đất đá đào, đắp trên 8 triệu m3. Do hợp đồng với nước ngoài về xây dựng nhà máy và lắp đặt thiết bị được định rõ thời gian, nhưng do ở khâu giải phóng mặt bằng chậm so với tiến độ nên đến đầu năm 2007 mới là thời kỳ cao điểm, những máy móc hiện đại nhất của các nhà thầu đều được huy động tối đa, có lúc lên đến trên 300 đầu máy...

Có được Nhà máy uy nghi bề thế bên dòng sông Lô lịch sử này, đội ngũ cán bộ công nhân viên nhà máy chúng tôi rất biết ơn sự quan tâm động viên và hỗ trợ của tỉnh Tuyên Quang trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch vùng nguyên liệu và cung cấp nguồn nhân lực chủ yếu cho nhà máy - anh Sáng nói.
Tri ân với nhân dân xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương), nơi 276 hộ dân đã nhường lại đất ở, đất canh tác để xây dựng nhà máy, ngoài chính sách đền bù theo quy định của Nhà nước, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đã hỗ trợ mỗi hộ 3 tháng lương thực. Cùng với đó, công ty ưu tiên nhận và cho đi đào tạo con em của các hộ thuộc diện di chuyển ở độ tuổi lao động và nhận lại khi nhà máy đi vào hoạt động. Ngoài ra, công ty còn đầu tư xây dựng trường mầm non cho 100 cháu trên địa bàn xã, hỗ trợ san ủi mặt bằng khu tái định cư; mở rộng, nâng cấp tuyến giao thông trên địa bàn xã.

Nhà máy luôn gắn với vùng nguyên liệu

Mọi công việc chuẩn bị cho nhà máy đi vào sản xuất từ khâu nguyên liệu, đến bộ phận nồi hơi, hệ thống cấp điện, nước đều đã sẵn sàng đồng bộ đi vào hoạt động. Anh Trần Chiến Công, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giấy An Hòa cho biết, tổng thể dây chuyền sản xuất bột giấy gồm xưởng chính và bộ phận phụ trợ. Đảm bảo cho nhà máy đi vào sản xuất ổn định, hiện nay công ty đang tập trung thu mua nguyên liệu. Mặc dù vùng nguyên liệu trên địa bàn Tuyên Quang về An Hòa chỉ bằng 1/2 quãng đường về Bãi Bằng, nhưng để khuyến khích các thành phần kinh tế bán gỗ nguyên liệu cho nhà máy, công ty đã nâng giá thu mua ngang với nhà máy Bãi Bằng. Hiện nay, giá gỗ keo có đường kính trên 12 cm nhà máy thu mua 950.000 đồng/tấn; đường kính từ 8 đến 12 cm, giá 750.000 đồng/tấn và đường kính từ 5 đến 8 cm giá thu mua 650.000 đồng/tấn. Cải thiện giá thu mua nguyên liệu, các hộ gia đình và các doanh nghiệp trồng rừng đã đưa nguyên liệu về nhà máy ngày càng nhiều. Từ tháng 11-2010 đến nay sản lượng gỗ nguyên liệu đã tập kết về bãi được 80.200 tấn. Tính riêng trong 3 tháng (tháng 6, 7 và 8-2011), sản lượng nguyên liệu thu mua về nhà máy tăng gấp 2 lần so 7 tháng trước.

Đến khu vực tập kết nguyên liệu, từng đoàn xe tải chở đầy gỗ nối đuôi nhau thành hàng dài chờ máy bốc xếp nguyên liệu. Theo đánh giá của công ty, có bước chuyển biến trong thu mua nguyên liệu là do UBND tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện 3 giải pháp trọng tâm đó là chỉ đạo ngành nông nghiệp, rà soát diện tích vùng nguyên liệu cung cấp cho nhà máy; các doanh nghiệp trồng rừng ưu tiên bán nguyên liệu cho nhà máy và chỉ đạo cơ quan chức năng tạo điều kiện cho các phương tiện vận chuyển gỗ nguyên liệu về nhà máy. Để nhà máy gắn với vùng nguyên liệu, các tỉnh khu vực phía Bắc quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy với tổng số 218.000 ha, trong đó Tuyên Quang 163.000 ha; Thái Nguyên 28.000 ha; Lào Cai 27.000 ha. Tạo mối liên kết bền chặt giữa vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến, Công ty cổ phần Giấy An Hòa đang triển khai cơ chế liên doanh hỗ trợ nguồn vốn đầu tư phát triển rừng trồng và cơ chế thu mua gỗ nguyên liệu vào nhà máy.

Nhà máy thân thiện với môi trường

Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa có quy mô lớn với công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường. Trong đó dây chuyền sản xuất bột giấy Kraft tẩy trắng có công suất 130.000 tấn/năm, bình quân mỗi ngày tiêu thụ 2.000 tấn gỗ nguyên liệu để tạo ra 400 tấn sản phẩm. Đây là công nghệ sản xuất bột giấy hiện đại nhờ thu hồi lượng bột nấu có tỷ lệ cao, thiết bị vận hành ổn định và tiết kiệm hơi. Sản phẩm bột giấy được sử dụng công nghệ tiên tiến lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Do sử dụng hệ thống thiết bị hiện đại trong khâu tẩy trắng nên hạn chế độc hại, thân thiện với môi trường, không gây ảnh hưởng xấu tới hệ sinh thái. Nguồn nước thải được làm sạch trước khi đưa vào hồ chứa vi sinh rộng trên 20 ha với dung tích 1 triệu m3, tiếp tục làm sạch sau đó mới thải ra sông Lô. Lượng bùn thải được thu hồi trộn với vỏ cây nguyên liệu để đưa vào làm chất đốt cho lò hơi động lực. Hiện nay, Công ty cổ phần giấy An Hòa đã tuyển chọn đủ 1.040 người vào nhà máy, trong đó có 5 người trình độ trên đại học; 147 người trình độ đại học; 94 cao đẳng; 658 trung cấp còn lại là lao động phổ thông. Đội ngũ cán bộ và công nhân kỹ thuật đều ở các chuyên ngành sản xuất bột giấy, điện công nghiệp, cơ khí và điều hành tự động hóa.

Hiện nay, nhà máy đang tiến hành sản xuất ra sản phẩm bột nâu và chính thức có sản phẩm bột tẩy trắng vào ngày 5-9. Theo kế hoạch, trong năm 2011, Nhà máy Bột giấy và giấy An Hòa sẽ sản xuất đạt 27.500 tấn bột giấy, với giá bán theo ký kết hợp đồng 10 triệu đồng/tấn, doanh thu sẽ đạt 275 tỷ đồng.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục