,

3 giải pháp phát triển chiến lược về cân bằng và khai thác nước ngầm

“Nhiều nước trên thế giới coi trọng tài nguyên nước ngầm và đã đưa vào các chiến lược phát triển của mình vì: thứ nhất là nguồn tài nguyên này có trữ lượng lớn (hơn 100 lần nước mặt), thứ hai là chất lượng tốt vì nó nằm ở độ sâu và độ lọc khoáng, thứ ba là nguồn tài nguyên này có nhiều ưu điểm như khi chúng ta cung cấp được tốt thì sẽ đẩy nước mặn xâm lấn ra biển, đây là cách xâm lấn mặn hoàn hảo nhất. Vì vậy tôi muốn Bộ trưởng cho biết phương hướng phát triển chiến lược về cân bằng và khai thác nước ngầm là như thế nào?” trích phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình tại Tại Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập” tổ chức tại Hà Nội ngày 17 tháng 8 năm 2020.

 

Nguồn nước dưới đất (nước ngầm) thường có chất lượng ổn định, ít bị tác động bởi các tác nhân gây ô nhiễm từ trên mặt đất và được xem là nguồn tài nguyên quý giá, có giá trị cao. Theo đánh giá, nước ta cũng có tiềm năng khá lớn về nguồn nước dưới đất, với tổng trữ lượng nước ngọt khoảng 189,3 triệu m3 /ngày đêm, trong đó trữ lượng có thể khai thác khoảng 61,2 triệu m3 /ngày đêm. Tuy nhiên nước dưới đất phân bố không đều, chỉ có thể tập trung khai thác chủ yếu tại đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay, tổng lưu lượng khai thác nước dưới đất trên cả nước khoảng 10,5 triệu m3 /ngày đêm, chiếm khoảng 17,2% trữ lượng có thể khai thác, trong đó chủ yếu cấp nước sinh hoạt tại các đô thị, sinh hoạt nông thôn và cấp nước cho sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp…, ngoài ra một số vùng còn khai thác để tưới cà phê, cây công nghiệp (Tây Nguyên) hoặc nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm trên cát (một số tỉnh ven biển miền Trung, bán đảo Cà Mau…).

Xét về tổng thể việc khai thác nước dưới đất ở nước ta đang bị mất cân bằng do việc quá tập trung khai thác tại các khu vực đô thị. Theo số liệu quan trắc từ năm 1990 đến nay, nguồn nước dưới đất ở nước ta đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng: mực nước dưới đất bị hạ thấp sâu, liên tục theo thời gian tại Đồng bằng Bắc Bộ, Đồng bằng Nam Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là tại một số đô thị (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố: Cà Mau, Sóc Trăng, Buôn Mê Thuột…) tập trung khai thác nguồn nước dưới đất. Việc khai thác nước tập trung quy mô lớn ngoài việc dẫn đến hạ thấp mực nước sâu còn là nguyên nhân gây ra tình trạng xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước (vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vùng ven biển miền Trung); và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng sụt lún bề mặt đất (Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long).

Về pháp lý, hệ thống pháp luật của chúng ta có những quy định khá đầy đủ liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất, tuy nhiên việc triển khai, thực thi ở các địa phương còn tương đối hạn chế. Ngay từ Luật tài nguyên nước năm 1998, vấn đề bảo vệ nước dưới đất đã được chú trọng, Bộ đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến việc bảo vệ nước dưới đất (Quyết định số 14/2007/QĐ-BTNMT về trám lấp giếng khoan không sử dụng; Quyết định số 15/2008/QĐ-BTNMT quy định về bảo vệ nước dưới đất). Sau khi Luật tài nguyên nước năm 2012 được Quốc hội thông qua, Bộ đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước dưới đất (Thông tư số 74/2017/TTBTNMT quy định về xử lý, trám lấp giếng khoan không sử dụng; Thông tư số 75/2017/TT-BTNMT quy định bảo vệ nước dưới đất trong các hoạt động khoan, đào, thăm dò, khai thác nước dưới đất…) hoặc trình Chính phủ ban hành Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất với mục đích hạn chế khai thác nước dưới đất tại các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm, xâm nhập mặn, hạ thấp mực nước quá mức, sụt lún đất… vừa bảo đảm việc bảo vệ nguồn nước dưới đất, đồng thời bảo đảm việc khai thác hợp lý, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc khai thác nước dưới đất.

Trong thời gian tới, để bảo vệ, khai thác cân bằng, hợp lý nguồn nước dưới đất cần tập trung một số giải pháp như sau: 

Một là, tổ chức triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ nước dưới đất, trong đó các địa phương cần sớm hoàn thành việc khoanh định, công bố Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và tổ chức triển khai thực hiện, hoàn thành trước tháng 2 năm 2022 như quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP của Chính phủ; tăng cường công tác quy hoạch, điều tra cơ bản nước dưới đất, quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về tài nguyên nước dưới đất; 

Hai là, nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ phát triển nguồn nước, nhất là bổ sung nhân tạo nước dưới đất (vấn đề này còn khá mới, ở nước ta mới có một số nghiên cứu thử nghiệm như: nghiên cứu thử nghiệm bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại đảo Quan Lạn - Quảng Ninh; nghiên cứu thử nghiệm công nghệ bổ sung nhân tạo nước dưới đất Bhungroo của Ấn Độ ở huyện Tân Phước - Tiền Giang và một số huyện của tỉnh Bến Tre...);

Ba là, nghiên cứu giải pháp khai thác kết hợp cả nguồn nước mặt, nước dưới đất để cấp nước ở các đô thị hay ở các vùng bị xâm nhập mặn theo mùa, vừa phát huy tối đa hiệu quả sử dụng của các nguồn nước, đảm bảo an ninh nguồn nước cấp cho sinh hoạt, nhất là vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.

 

 

Monre

Tin cùng chuyên mục