,

Mở rộng xây dựng các công trình nước sạch nông thôn

Tỉnh ta là 1 trong 21 tỉnh được hưởng lợi Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả đầu ra do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ. Chương trình được thực hiện từ năm 2016 đến năm 2020.

 


Giáo viên trường Mầm non Hoàng Khai (Yên Sơn) hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng.

Huyện Yên Sơn có số xã được hưởng lợi nhiều nhất từ chương trình với 5 xã gồm: Đội Bình, Kim Phú, Mỹ Bằng, Tân Long và Xuân Vân. Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, sau gần 1 năm thực hiện, cảnh quan, vệ sinh môi trường nông thôn tại các xã đã có những thay đổi đáng kể. Tập quán không sử dụng nhà vệ sinh, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh hoặc sử dụng phân chuồng chưa hoai mục để bón cây trồng đã gần như chấm dứt. Theo thống kê sơ bộ tại 5 xã, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh đạt gần 100%; tỷ lệ hộ dân có đầy đủ công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn chiếm trên 70%. 

Đồng chí Ngô Đức Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Bằng cho biết, Ban Chỉ đạo Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn của xã sẽ dựa trên kết quả đầu ra, thực hiện họp hàng tháng để kiểm tra, giám sát, đồng thời có kế hoạch tuyên truyền, vận động bà con nâng cao nhận thức đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, các công trình nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh. Thôn Mỹ Hoa hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, đời sống người dân còn gặp nhiều khó khăn, bên cạnh việc Nhà nước hỗ trợ, bà con đã biết tiết kiệm để đầu tư xây dựng các công trình vệ sinh đạt chuẩn.

Ông Hoàng A Phông, dân tộc Mông, thôn Mỹ Hoa phấn khởi cho biết: Tiết kiệm được ít  tiền cộng thêm sự hỗ trợ của Nhà nước, gia đình đã mua được máy lọc nước để dùng.  Nước được lọc qua máy đảm bảo vệ sinh, uống được luôn. Được biết, thôn Mỹ Hoa có đến 6 hộ dân được hỗ trợ lắp đặt máy lọc nước, ngoài ra các hộ đều được sử dụng nước máy; các công trình vệ sinh nhà tắm, nhà tiêu các hộ dân đều đạt chuẩn.

Xã Đức Ninh (Hàm Yên) cũng được hưởng lợi từ chương trình. Ông Hà Xuân Khanh, Chủ tịch UBND xã cho biết, nhiều công trình nước sạch, công trình vệ sinh trong dân đã được Nhà nước hỗ trợ xây dựng góp phần quan trọng nâng chất lượng cuộc sống của nhân dân. Đã có 97,2% dân cư sử dụng nước hợp vệ sinh, 86% hộ dân có hố xử lý rác thải, trên 73% hộ dân sử dụng nhà tiêu, nhà tắm hợp vệ sinh… 

Theo ông Nguyễn Công Hàm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chương trình này, UBND tỉnh tập trung ưu tiên các xã khó khăn về nước sinh hoạt, xã vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Vốn đầu tư trên 231,6 tỷ đồng, tập trung vào 3 hợp phần gồm: Cấp nước sạch nông thôn; vệ sinh nông thôn và nâng cao năng lực truyền thông, giám sát, theo dõi và đánh giá chương trình. Có 30 công trình cấp nước tập trung sẽ được đầu tư xây dựng, trong đó có 8 công trình cấp nước tập trung cho khu vực nông thôn, bảo đảm cấp nước sạch bền vững cho 2.474 hộ gia đình. Ngoài ra còn một số công trình nước sạch cho các trường học. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang khảo sát đánh giá để thực hiện đầu tư xây dựng, bảo đảm các công trình được đầu tư phát huy hiệu quả.


TQĐT

Tin cùng chuyên mục