,

Một số giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng ven biển Việt Nam

Nhằm phát triển kinh tế biển ổn định và bền vững, cũng như hạn chế những sự cố và thiên tai trên biển, nghiên cứu của TS. Trần Bắc Bộ - trường Đại học Mỏ - Địa chất, đã đưa ra một số giải pháp cho người dân vùng ven biển trong việc phát triển các ngành nghề chính mang lại nguồn kinh tế chủ lực và tập trung khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên biển.

 

Một số thách thức trong việc phát triển kinh tế biển 

Việt Nam là một quốc gia ven biển có bờ biển kéo dài 3260 km, đi qua 28 tỉnh thành phố, có trên 30 cảng biển với 166 bến cảng, 350 cầu cảng cùng tổng chiều dài khoảng 45.000m; 112 cửa sông, 47 vùng vịnh, 2770 đảo lớn, nhỏ ven bờ với diện tích khoảng 1720 km2, phân bố rải rác trên các vùng biển ven bờ vịnh Bắc Bộ, biển Tây Nam và phía Nam... Có thể thấy, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển là rất lớn.

Ngoài việc cung cấp nguyên liệu cho các ngành thực phẩm và công nghiệp, biển còn là nguồn cung cấp hoá chất và khoáng sản với trữ lượng lớn; cùng nguồn năng lượng sạch từ biển và đại dương như năng lượng thuỷ triều, năng lượng sóng,… hiện đang được khai thác sử dụng trong vận tải biển, chạy máy phát điện và phục vụ cho nhiều lợi ích khác của con người.

Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển tại Việt Nam vẫn còn tồn tại những khó khăn, hạn chế và bất cập liên quan đến vấn đề an ninh, an toàn vùng ven biển, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển,… TS. Trần Bắc Bộ đã đề cập đến công tác quản lý Nhà nước về kinh tế - xã hội các cấp tại các tỉnh, thành phố ven biển còn đang thiếu tư duy toàn diện, chưa mang tính thời đại trong phát triển kinh tế biển ở thời điểm hiện tại, nhất là vấn đề khai thác và bảo vệ vùng ven biển, chủ quyền biển, đảo của một bộ phận người dẫn vẫn còn đang hạn chế.

Khai thác tài nguyên và môi trường biển quá mức dễ dẫn đến việc phá huỷ môi trường biển

Ngoài ra, vùng ven biển Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự suy giảm các nguồn lợi thuỷ hải sản, đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; việc khai thác tài nguyên và môi trường biển quá mức, cùng tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng,… khiến ô nhiễm môi trường biển, tác động xấu tới sự phát triển ổn định kinh tế - xã hội ven biển.

Trong đó, lĩnh vực khai thác thuỷ hải sản của ngư dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình hình thời tiết thay đổi bất thường như bão, gió, áp thấp nhiệt đới kèm theo mưa lớn,… dễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ ngư dân. Cùng với đó, hoạt động khai thác quá mức dễ dẫn đến việc huỷ hoại môi trường biển cũng như ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân ven biển. Điều này gây khó khăn cho lĩnh vực khai thác hải sản biển.

Bên cạnh đó, lĩnh vực hàng hải, dịch vụ cảng biển và việc xây dựng cơ sở hạ tầng vùng ven biển, các cơ sở công nghiệp biển,… còn thiếu thốn và lạc hậu. Đặc biệt trong phát triển kinh tế hàng hải cũng phát sinh rất nhiều vấn đề diễn biến phức tạp, gây mất ổn định tình hình an ninh, trật tự trên biển, cũng như xâm hại môi trường biển, lợi dụng ranh giới biển để gây hấn, tranh chấp chủ quyền,… đã làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững vùng ven biển…

Giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững

Từ những đánh giá thực trạng nêu trên, có thể thấy biển đảo ven bờ Việt Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị xã hội, quốc phòng và an ninh, được thể hiện trong Chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045, Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018. Trong đó, Hội nghị Trung ương 8, khoá XII của Đảng đã xác định những điểm then chốt: “Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; Phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển,…”

Theo đó, TS. Trần Bắc Bộ đã đưa ra một số đề xuất để phát triển kinh tế biển, nhằm đảm bảo việc thực hiện Chiến lược một cách bền vững, như việc cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, sự cần thiết và yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển; các biện pháp triển khai công tác tuyên truyền phải được tiến hành một cách chủ động tích cực và thường có sự vào cuộc của các ban ngành, cấp uỷ và chính quyền địa bàn, nhằm tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong nhận thức của cán bộ, nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Việt Nam cần xây dựng các cảng nước sâu, cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Đồng thời, cần xây dựng hoàn thiện các chính sách phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng ven biển trong tình hình hiện nay. Cụ thể, các chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng ven biển cần được sớm hoàn thiện, trong đó, có chính sách phù hợp để thực hiện các hoạt động kết nối đất liền với các đảo, tạo điều kiện cho sự phát triển nhanh, bền vững. Đảm bảo tính kết nối giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu du lịch và tuyến du lịch để hỗ trợ nhau phát triển.

Tiếp đó, các hệ thống cảng biển cần phát triển mạnh, xây dựng đồng bộ một số cảng đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, chú trọng đến các cảng nước sâu, tạo cửa mở lớn vươn ra biển thông thương với thế giới; cùng những chính sách đặc thù nhằm phát triển các vùng nông thôn ven biển và hải đảo trên 3 mặt: Dân trí, dân sinh, dân chủ; từ đó, tạo cơ chế thu hút nhân dân ra làm ăn, sinh sống trên các đảo.

Đối với việc phát triển các ngành nghề chính ở biển, cần tập trung thực hiện theo các lĩnh vực: Khai thác, chế biến hải sản; du lịch biển; hàng hải; nghiên cứu khoa học công nghệ trong khai thác và quản lý kinh tế biển.

Về lĩnh vực khai thác, chế biến hải sản, nên hạn chế khai thác gần bờ để tái tạo nguồn lợi hải sản đang bị cạn kiệt, tập trung nhân lực và nguồn vốn cho các tàu lớn để tăng cường năng lực, hiệu quả khai thác hải sản xa bờ. Phát triển chế biến thuỷ sản bền vững theo quy hoạch, gắn với phát triển vùng nguyên liệu thuỷ sản; tăng cường chế biến sâu, chú trọng đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ mới, đa dạng hoá sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm giá trị và sản phẩm sử dụng ít nguyên liệu thuỷ sản; thúc đẩy đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường trong các nhà máy chế biến hiện có.

Về lĩnh vực hàng hải, cần thực hiện chủ trương phấn đấu một số tỉnh, thành phố ven biển đến năm 2025 sẽ có các cảng biển chuyên nghiệp như: Cảng chuyên cho du lịch tàu biển, cảng chuyên dịch vụ hậu cần cảng,… và nên phát triển một số cảng theo hướng phục vụ tàu container, tàu khách, tàu chuyên dụng có trọng tải lớn,…

Ngoài ra, chú trọng phát triển dịch vụ cảng và vận tải biển theo hướng nâng cao chất lượng, cung cấp các dịch vụ trọn gói; phát triển theo hướng hiện đại hoá cả về số lượng và chất lượng dịch vụ chuyên dụng: Công vụ, hoa tiêu, lai dắt, bảo đảm hàng hải, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ hàng hải, nghiên cứu thăm dò – khảo sát tài nguyên biển, du lịch, thể thao, giải trí và các loại tàu dịch vụ chuyên dụng khác.

Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ trong khai thác và quản lý kinh tế biển, cần thường xuyên khảo sát, điều tra, thu thập thông tin về kinh tế - xã hội, tài nguyên, sinh vật cảnh và dữ liệy quan trắc chất lượng môi trường vùng biển. Chú ý nghiên cứu đến các điều kiện tự nhiên như địa hình, địa mạo, địa chất, khoáng sản, tài nguyên, năng lượng sạch, địa động lực biển và bờ biển, phục vụ cho việc quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo.

TS. Trần Bắc Bộ cũng nhấn mạnh đến việc lựa chọn, đầu tư các trang thiết bị chuyên dụng và mời các chuyên gia cùng tham gia thực hiện điều tra, khảo sát, cập nhật bổ sung đối với một số đối tượng cần thiết để bảo tồn và quản lý sử dụng rạn san hô, thảm cỏ biển, rong biển cũng như các nguồn lợi hải sản có giá trị cao.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục