,

Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên tham dự Hội nghị Đại dương toàn cầu lần thứ 5: Đại dương và biến đổi khí hậu – Mối quan tâm toàn cầu

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 5 (GOC5) được tổ chức tại Thủ đô Paris (Pháp) từ ngày 3 đến 7/5/2010 với sự tham dự của khoảng trên 800 đại biểu đến từ 84 nước. Đoàn Việt Nam có 20 thành viên gồm đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Ủy ban nhân dân TP. Hải Phòng, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam.

Hội nghị lần này có sự tham dự của đại diện các Chính phủ, các cơ quan khoa học và các cơ quan của Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực, đại diện các nhà tài trợ. Hội nghị GOC5 được đồng tổ chức bởi Ủy ban Liên Chính phủ về hải dương học thuộc UNESCO (IOC), Chính phủ Pháp, Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) và Diễn đàn toàn cầu về đại dương, vùng bờ và hải đảo. Với tư cách là chủ nhà của Hội nghị Đại dương Toàn cầu lần thứ 4 (GOC4), Việt Nam đã tích cực tham gia quá trình tổ chức Hội nghị lần này.

Hội nghị tập trung theo 3 nhóm chủ  đề: Đại dương và biến đổi khí hậu, đại dương và đa dạng sinh học, đại dương và vấn đề quản trị; được chia làm 3 trục chính: các phiên hội nghị chuyên đề về chính sách, khoa học và kỹ thuật; các phiên hội nghị bàn tròn cấp cao; các phiên hội nghị chính sách.

Cần tích cực hỗ trợ các nước đang phát triển quản lý đại dương có hiệu quả

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị bàn tròn các nhà Lãnh đạo cấp quốc gia, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia ven biển, lại là một trong những quốc gia trên thế giới chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu, nhận thức rất rõ tầm quan trọng của biển, vùng ven biển đối với sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong điều kiện khí hậu mới; điểm lại những nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách, pháp luật lồng ghép biến đổi khí hậu, nước biển dâng trong quản lý tổng hợp vùng ven biển trong quản lý là nhờ tạo được sự chuyển biến về nhận thức trong toàn xã hội, có sự ủng hộ và chỉ đạo quyết liệt và trực tiếp của Chính phủ và nhận được sự hỗ trợ quốc tế.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhắc lại lời kêu gọi các nước phát triển cần tích cực hơn nữa trong việc hỗ trợ các nước đang phát triển quản lý hiệu quả đại dương, biển, vùng bờ và hải đảo nhằm chống lại những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nước biển dâng thông qua viện trợ, chuyển giao công nghệ, chia sẻ kiến thức và tăng cường năng lực. Các thành viên khác của đoàn Việt Nam cũng đã được mời tham gia Đoàn Chủ tịch, trình bày tại các phiên họp chuyên đề.

Đoàn Việt Nam đã thể hiện được vai trò nổi bật tại Hội nghị: Trưởng đoàn và một số thành viên đã được Ban Tổ chức đề cử vào Chủ tịch đoàn và ban điều hành của nhiều phiên họp quan trọng. Sự tham dự và đóng góp của Bộ trưởng và các thành viên Đoàn Việt Nam tại Hội nghị đã được Ban Tổ chức Hội nghị đánh giá cao. Các ý kiến và khuyến nghị của Đoàn Việt Nam được Ban Tổ chức ghi nhận và đưa vào khuyến nghị chính sách của Hội nghị. Hoạt động của Đoàn đã giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại Diễn đàn toàn cầu và mở ra triển vọng hợp tác trong tương lai trong lĩnh vực quản lý đại dương, biển, hải đảo và vùng bờ.

Sôi nổi các hoạt động bên lề Hội nghị

Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có một số hoạt động tiếp xúc song phương: thăm và làm việc với Hội đồng công chứng tối cao Pháp và gặp gỡ song phương với bà Monique Barbut, Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF).

Hội đồng Công chứng tối cao Pháp là đơn vị chủ trì Liên danh được Chính phủ Pháp giao thực hiện Dự án nghiên cứu khả thi "Hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai tại các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng". Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo của Liên danh về tiến độ thực hiện Dự án, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã đề nghị Liên danh cố gắng hoàn thành báo cáo trước thời hạn dự kiến vào tháng 10/2010 để các kết quả của Dự án có thể được đưa vào sử dụng kịp thời và có hiệu quả cho công tác quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của Việt Nam đối với các thành phố này, đặc biệt là đối với Hà Nội mở rộng. Hai bên cũng đã trao đổi về các nội dung liên quan đến việc thực hiện giai đoạn triển khai dự án dựa trên kết quả của báo cáo nghiên cứu khả thi.

Bộ trưởng cũng đã  đề nghị phía Pháp xem xét mở rộng quy mô  dự án (thêm các thành phố: Cần Thơ và Hải Phòng); khả năng hỗ trợ Việt Nam trong việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm về quản lý công trình ngầm. Hai bên đã thống nhất sẽ đề xuất nội dung hợp tác này lên Chính phủ hai nước để  đưa vào khuôn khổ hợp tác song phương chính thức. Hội đồng công chứng tối cao Pháp đã bày tỏ  sự sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong công tác hoàn thiện hệ thống quản lý đất đai và đặc biệt là trong việc đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý  đất đai các cấp của Việt Nam.

Tại cuộc tiếp xúc song phương với bà Monique Barbut, Chủ tịch Quỹ Môi trường toàn cầu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã nhấn mạnh một số nhu cầu của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm quản lý tổng hợp vùng bờ biển, đa dạng sinh học biển, quản lý tổng hợp vùng hạ lưu sông Mê Công và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bà Monique Barbut đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường nói chung, khuyến nghị về việc bảo vệ môi trường biển trong các hoạt động du lịch. Bà Barbut đã cam kết sẽ dành cho Việt Nam khoản tài trợ không hoàn lại khoảng 30 triệu USD để thực hiện các dự án về môi trường trong kế hoạch GEF5 và hứa Việt Nam là một trong số ít nước đầu được nhận tài trợ của Quỹ Môi trường Toàn cầu. Bà đề nghị Việt Nam chủ động đề xuất các lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn tài trợ này.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên còn đề nghị tài trợ cho các dự án quản lý tài nguyên nước và ứng phó với biến đổi khí hậu được ghi nhận và sẽ tiếp tục trao đổi sau. Đoàn Việt Nam cũng đã đến làm việc với Thư viện Quốc gia Pháp và Cơ quan Lịch sử Quốc phòng Pháp nhằm tìm hiểu và thu thập những thông tin, tư liệu về chủ quyền và tài nguyên biển, hải đảo tại khu vực Biển Đông của Việt Nam.

Mối tương tác giữa đại dương và biến đổi khí hậu – Một vấn đề toàn cầu

Tại phiên khai mạc Hội nghị, Bà Billiana Cicin-Sain, Đồng chủ tịch Hội nghị đã đánh giá cao vai trò của Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà của Hội nghị Đại dương toàn cầu lần thứ 4 năm 2008; nhắc lại các khuyến nghị chính sách và sáng kiến về “Ngày Đại dương tại Copenhagen” được đề xuất tại Hà Nội và coi Hội nghị lần thứ 4 (GOC4) tại Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong Chương trình nghị sự đại dương toàn cầu nơi mà lần đầu tiên, vấn đề lồng ghép chính sách đại dương với biến đổi khí hậu đã được đề cập một cách chính thức.

Có 66 phiên hội nghị chuyên  đề kỹ thuật diễn ra trong 2 ngày 3 và 4/5/2010 được tổ chức song song, xoay quanh 3 chủ đề chính, bàn về mối tương tác giữa đại dương và biến đổi khí hậu, những tiến bộ cũng như những khoảng trống trong quản lý đa dạng sinh học biển và các phương pháp tiếp cận tổng hợp nhằm quản lý hiệu quả đại dương, vùng bờ, hải đảo trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Phiên họp đặc biệt của Hội nghị kỷ niệm 50 năm thành lập Ủy ban Liên Chính phủ về Hải dương học (IOC) cũng đã được tổ chức vào ngày 4/5/2010.

Trục các phiên hội nghị bàn tròn cấp cao đã diễn ra vào ngày 05/5/2010 gồm 3 phiên chính: Hội nghị bàn tròn các nhà Lãnh đạo cấp quốc gia, Hội nghị bàn tròn các quan chức địa phương và Hội nghị bàn tròn các nghị sỹ; bàn về những tiến bộ mà quốc gia đã đạt được, những thách thức và khuyến nghị về các nội dung khác liên quan đến chủ đề của Hội nghị.

Trong 2 ngày 6 và 7/5/2010 diễn ra các phiên thuộc trục các hội nghị chính sách nhằm thảo luận và đề xuất các phương hướng tiếp theo cho các nhà lãnh đạo về các vấn đề đại dương, biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học biển.

Việt Nam được đánh giá cao có vai trò là nước chủ nhà của Hội nghị Đại dương toàn cầu lần thứ 4 (GOC4) năm 2008 tại Hà Nội. GOC4 tại Hà Nội là một dấu mốc quan trọng trong Chương trình nghị sự đại dương toàn cầu nơi mà lần đầu tiên, vấn đề lồng ghép chính sách đại dương với biến đổi khí hậu đã được đề cập một cách chính thức.

Các nước ASEAN cũng tỏ ra quan tâm  đến các nội dung hoạt động của Hội nghị,  đặc biệt Phi-lip-pin cử đoàn cấp Thứ trưởng tham dự Hội nghị và có bài tham luận sâu về đa dạng sinh học biển tại vùng biển Đông Nam Phi-lip-pin (Tam giác san hô).

Bước đầu đã có những khuyến nghị về việc xây dựng một điều ước quốc tế điều chỉnh một số vấn đề  thuộc đại dương theo hai hướng: Cụ thể hóa các nguyên tắc đã được ghi nhận trong Công ước Luật biển quốc tế 1982 (UNCLOS); Và xây dựng điều ước mới điều chỉnh các hoạt động tại những khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia và những khu vực chưa được đề cập trong UNCLOS.

Monre

Tin cùng chuyên mục