,

Giải pháp quản lý sử dụng đất đai bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu tại Việt Nam

Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Huệ cùng nhóm tác giả trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội (TN&MT) đã chỉ ra một số tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với công tác quản lý sử dụng đất đai tại Việt Nam, từ đó đưa ra một số đề xuất khắc phục tình trạng trên.

 

* Thoái hóa đất do biến đổi khí hậu

Tại Việt Nam, những biểu hiện rõ nét nhất của BĐKH như nhiệt độ trung bình tăng, nước biển dâng, xâm thực mặn, khô hạn, bão lũ, sạt lở,… đã làm thay đổi đáng kể diện tích, hình thức sử dụng đất cũng như định hướng quản lý đất đai trên nhiều khu vực, tỉnh thành cả nước. Theo TS. Nguyễn Thị Huệ, một trong những nguyên nhân dẫn đến BĐKH xuất phát từ các hoạt động khai thác của con người, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp, nhằm phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cụ thể, việc sử dụng các nguyên liệu hoá thạch (than đá, dầu mỏ, khí đốt) đã chiếm hơn 75% lượng khí phát thải nhà kính toàn cầu và gần 90% tổng lượng khí thải CO2, qua các hoạt động: Chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nước; hoạt động phát triển kinh tế bao gồm: Chặt phá rừng, sản xuất hàng hoá, công nghiệp, phát điện, sử dụng phương tiện đi lại, cung cấp năng lượng cho các toà nhà,…

Theo số liệu của Bộ TN&MT, tác động của BĐKH đã khiến lượng mưa thay đổi bất thường, nước biển dâng cao với tốc độ nhanh hơn khoảng 6mm/ năm, điều này khiến 11.838 nghìn ha đất bị thoái hóa (chiếm 35,74% diện tích tự nhiên trên cả nước), với các loại hình thoái hoá đất như bị suy giảm độ phì, xói mòn, khô hạn, hoang mạc, sa mạc hoá; đất bị kết von, phèn hoá, mặn hoá,… đang xảy ra trên khắp Việt Nam.

 Cần đưa ra giải pháp quản lý và sử dụng đất đai, tránh tình trạng thoái hoá đất tại Việt Nam

* Đề xuất nhiều giải pháp

Để bảo đảm nguồn tài nguyên đất đai phục vụ cho phát triển bền vững, TS. Nguyễn Thị Huệ đã đưa ra một số đề xuất nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên đất giúp thích ứng với BĐKH.

Theo TS. Nguyễn Thị Huệ, các cấp ngành cần xây dựng và bổ sung hoàn chỉnh hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý sử dụng đất đai bền vững, thích ứng với BĐKH để sử dụng đất theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, dưới tác động của điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Qua đó, chú trọng thúc đẩy, lồng ghép, tích hợp yếu tố BĐKH vào các chính sách, chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.

Đặc biệt, đối với quy hoạch ngành – lĩnh vực dễ bị tổn thương do BĐKH, các ngành, các địa phương cần thực hiện rà soát, điều chỉnh, cơ chế, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nhiệm vụ, cũng như các phương tiện, điều kiện sao cho phù hợp với thực trạng BĐKH và những tác động trước mắt, lâu dài đối với tài nguyên đất.

Ngoài ra, hạn mức phát thải và các chế tài pháp quy có tính chất răn đe cao với các hành vi gây tổn thương môi trường như chặt phá rừng hoặc phát thải rác, khí nhà kính vượt qua mức quy định đối với cá nhân và tổ chức cũng cần được ban hành.

Nghiên cứu còn chỉ ra rằng, để công tác quản lý đất đai bền vững và thích ứng được với BĐKH, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đa mục tiêu, từ trung ương đến địa phương, giữa các ngành, lĩnh vực và được cập nhật biến động định kỳ hàng năm. Đồng thời, cơ sở dữ liệu đất đai cũng cần ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo (AI), tích hợp các yếu tố BĐKH theo đặc thù của từng vùng, khu vực như mức độ rủi ro, loại hình, thiệt hại do BĐKH gây ra để làm cơ sở thực hiện các phương án quản lý sử dụng đất đai thích ứng với BĐKH của địa phương.

Đối với các khu vực đồng bằng ven biển, việc đối mặt các hiện tượng BĐKH như hạn hán, xâm thực mặn, sói lở bờ biển,… cần thiết phải xây dựng giải pháp “sống chung với BĐKH”, trang bị và nâng cao hiểu biết, khả năng thích ứng tác động của khô hạn, mực nước biển dâng trong tương lai.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân trong vùng chịu tác động như di chuyển nhà ở vào gần đất liền; chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ trồng cây nước ngọt sang nuôi trồng nông sản nước lợ, hỗ trợ giống cây trồng có khả năng thích ứng tốt trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt; hỗ trợ kinh phí, phương pháp thau chua, rửa mặn, cải tạo đất nhiễm phèn, nhiễm mặn,…

Đối với vùng núi và cao nguyên, đây là 2 vùng chịu tác động của những hiện tượng khí hậu như mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, khô nóng và hạn hán. Do vậy, định hướng sử dụng đất của khu vực này cần chú trọng đẩy mạnh thâm canh ở những nơi có khả năng tưới, tiêu; tăng cường nông lâm kết hợp, khai thác hợp lý nhất nguồn tài nguyên đất theo hướng sản xuất hàng hoá; bảo vệ duy trì và phát triển thảm thực vật ở khu vực đầu nguồn, khu vực núi cao, khu vực có tính phòng hộ.

Cùng với đó, các địa phương cũng cần được hỗ trợ các chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực quản lý sử dụng đất đai bền vững, thích ứng với BĐKH. Đây được xem là nguồn nhân lực cần thiết để tiên phong trong công cuộc thay đổi cách thức quản lý sử dụng đất.

Hơn hết, để giúp người dân và các tổ chức giảm thiểu được các hoạt động gây tổn hại đến môi trường nói chung và môi trường đất nói riêng, không những cần nâng cao nhận thức cộng đồng về các rủi ro BĐKH gây ra, mà còn cần nâng cao năng lực cho các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách đất đai… về khí hậu và BĐKH đến tài nguyên đất ở Việt Nam để có thể đưa ra các phương thức quản lý sử dụng đất đai bền vững.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục