,

Tăng cường minh bạch để cải thiện quản trị đất đai tại Việt Nam

Sáng 14/8, tại TP. Đà Nẵng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB) tổ chức Hội thảo tham vấn về các phát hiện và khuyến nghị của Nghiên cứu Khung đánh giá Quản trị Đất đai (LGAF) và Báo cáo khảo sát tình hình công khai thông tin trong quản lý đất đai năm 2013.


Ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường và bà Keiko Sato, đại diện Ngân hàng Thế giới đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Ông Lê Văn Lịch, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Hội thảo là dịp để các chuyên gia trong lĩnh vực đất đai, Sở Tài nguyên – Môi trường các địa phương cùng nhau thảo luận và đóng góp ý kiến cho hai nghiên cứu này của WB để có thể phản ánh tốt nhất thực trạng quản lý đất đai của Việt Nam đồng thời là nguồn tài liệu tham khảo cho phía Việt Nam nhằm tăng cường công tác Quản trị đất đai.

Theo báo cáo của WB, đến 2013, Việt Nam đã cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất cho 85% dân số, trong đó, người dân được tiếp cận đất nông nghiệp tương đối bình đẳng. Tuy nhiên, công tác đăng ký đất đai ban đầu được Quốc hội đề ra từ năm 2009 chưa hoàn thành; giao dịch đất đai không chính thức còn phổ biến. Các thể chế quản lý đất đai còn yếu và hiệu quả chưa cao, các xung đột lợi ích hoặc lạm dụng trong cơ chế nhà nước thu hồi đất vẫn còn diễn ra, đặc biệt, chưa có sự tách biệt giữa xây dựng chính sách, thực hiện, giám sát và giải quyết khiếu nại….

Báo cáo cũng chỉ ra, công tác quy hoạch vẫn còn nhiều bất cập, gây lãng phí, chưa khai thác hết nguồn lực tài chính trong lĩnh vực này. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chậm, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, chưa phù hợp về thời gian, nội dung với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Lợi ích tư nhân chiếm ưu thế trong phát triển đô thị dẫn đến sự mập mờ trong quy hoạch và chi phí dịch vụ cao.

Các tranh chấp, xung đột liên quan đến đất đai của công dân khá phổ biến, chiếm khoảng 70 – 80% tổng số khiếu nại mà nhà nước phải xử lý. Đặc biệt, có những vụ việc kéo dài trên 20 năm, đã qua nhiều cấp, nhiều ngành và hầu hết đều có tới 3 đến 4 quyết định giải quyết hành chính nhưng do không thỏa mãn với quyết định nên người dân tiếp tục khiếu kiện lên cấp cao hơn. Tuy nhiên, ViệtNamvẫn chưa có công cụ giám sát mang tính hệ thống hoặc phản hồi về chính sách làm cho hiệu quả sử dụng đất đai thấp.

 

Đại biểu góp ý tại Hội thảo

Việc cung cấp thông tin về đất đai cho người dân còn nhiều hạn chế, chưa minh bạch. Cụ thể, cấp GCN còn chậm; thông tin trong hồ sơ thiếu và không cập nhật, không được quy chiếu không gian, nhất là đối với các cá nhân và tổ chức ngoài nhà nước. Hơn 50% thông tin địa chính không được cập nhật, công khai, hạn chế sự tiếp cận của người dân.

Dựa trên báo cáo, WB đã đưa ra hàng loạt các khuyến nghị để cải thiện Quản trị đất đai trong những năm tới: Tăng cường sự tham gia của các bên trong lĩnh vực đất đai, trong đó có sự tham gia, góp ý và giám sát của người dân. Công tác này phải được thực thi hiệu quả, tránh làm lấy lệ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai. Đồng thời, công khai, minh bạch mọi thông tin về quản lý, quy hoạch và sử dụng đất đai, cho phép người dân được tiếp cận những thông tin này.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng tập trung thảo luận các vấn đề ưu tiên và hành động để cải thiện Quản trị đất đai tại Việt Nam, đặc biệt là liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả, trách nhiệm và sự tham gia của các bên.

 

Monre

Tin cùng chuyên mục