,

Triển khai đề án 1 tỷ cây xanh

Triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021- 2025 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đang tích cực xây dựng kế hoạch từng năm.

Thái Nguyên xây dựng phần mềm quản lý cây xanh

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu trồng 7 triệu cây xanh. Riêng năm 2021, tỉnh có kế hoạch trồng hơn 1,1 triệu cây. Tuy nhiên, tính đến hết tháng 8, toàn tỉnh đã trồng được hơn 3,1 triệu cây, trong đó, trồng phân tán gần 780 nghìn cây, trồng tập trung 2,3 triệu cây.

Để việc quản lý, cập nhật thông tin cũng như ngăn chặn các hành vi xâm hại cây xanh được kịp thời và thuận tiện hơn, Sở Nông nghiệp - PTNT đã phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông, VNPT Thái Nguyên tổ chức xây dựng phần mềm quản lý cây xanh “Thai Nguyen SmartTree”.

Đến nay, đã có gần 1 triệu cây xanh (đa phần là cây xanh đô thị, cây trồng ở các di tích lịch sử, trụ sở làm việc của các cơ quan) được cập nhật dữ liệu có hình ảnh và tọa độ trên phần mềm, có 1 mã QR riêng để giám sát, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển, di dời của cây…

Ảnh minh họa

Bình Định lên kế hoạch chi tiết

Mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2025, toàn tỉnh trồng mới được 10.170,55 ha cây xanh trở lên (tương đương với 11.027.403 cây); trong đó, cây xanh trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn khoảng 9.115.500 cây; cây xanh trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng sản xuất khoảng 1.911.903 cây, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu

Đề hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trồng mới rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất (nhất là trồng rừng gỗ lớn); đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất có thể trồng cây xanh nông thôn,…; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn vốn.

Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Quỹ đất dự kiến trồng rừng, trồng cây phân tán phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh, của địa phương và không tranh chấp. - Đất đưa vào xây dựng kế hoạch trồng rừng phải là đất chưa có rừng, đảm bảo theo đúng đối tượng.

Hà Tĩnh: Phủ xanh thành phố

UBND thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) vừa ban hành kế hoạch trồng cây xanh đô thị đợt cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Theo kế hoạch, dự kiến từ cuối tháng 10 đến hết tháng 2/2022, toàn thành phố sẽ trồng 40.627 cây xanh, trong đó có 21.042 cây đô thị; 9.585 cây phân tán và 10.000 cây ở các khu vực rừng ven sông.

Kế hoạch trồng cây sẽ được triển khai theo 2 đợt: Đợt 1 từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11/2021, phát động ra quân đồng loạt với sự tham gia của tất cả tổ chức, chính quyền và người dân và trồng mới theo các dự án đầu tư và các chương trình trồng cây chung; đợt tiếp theo là từ đầu tháng 1/2022 đến tháng 2/2022 (trước và sau tết Nguyên đán) gắn với chương trình Tết trồng cây và trồng cây phân tán.

Theo đó, UBND thành phố cũng xây dựng các phương án cụ thể về chủng loại cây phù hợp với từng tuyến đường, khu vực, đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, mục tiêu của chương trình trồng cây xanh giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn.

Được biết, trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021, thành phố đã trồng được hơn 34.000 cây xanh, mang lại nhiều hiệu quả về môi trường, cảnh quan tại địa phương.

Ngoài ra, để triển khai Chương trình “Vì một Việt Nam xanh” và Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”; tỉnh Bình Phước phấn đấu trồng gần 900.000 cây xanh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh thiếu nhi trồng ít nhất 01 cây xanh mỗi năm. Hàng năm, lựa chọn và chỉ đạo 1 đơn vị để triển khai thực hiện điểm các mô hình trồng cây xanh. UBND tỉnh Bắc Ninh cũng vừa quyết định duyệt chi gần 9,5 tỷ đồng trồng trên 6 vạn cây xanh trên các tuyến đường tỉnh, quốc lộ để cải thiện cảnh quan thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục