,

Tạo điều kiện phục hồi các loài hoang dã tại Việt Nam

Để ngăn chặn đà suy giảm dẫn đến tuyệt chủng các loài tại Việt Nam, Hợp phần Bảo tồn Đa dạng sinh học (BCA) do Cơ quan Hợp tác phát triển Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đang thúc đẩy hoạt động “tái hoang dã” tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước.

 

Các chuyên gia cho rằng, đây là chiến lược khả thi duy nhất để khôi phục các quần thể động vật hoang dã ở Việt Nam. Nếu khái niệm tái hoang dã được giới thiệu từ cách đây 20 - 25 năm, có lẽ chúng ta đã có thể cứu Sao la - một trong những loài mang tính biểu tượng và nổi tiếng nhất của Việt Nam khỏi nguy cơ tuyệt chủng, hay cứu loài tê giác Java 1 sừng khỏi sự tuyệt chủng.

Cần hành động ngay lập tức

Chia sẻ rõ hơn về tái hoang dã, ông Barney Long, Giám đốc Chiến lược Bảo tồn, Tổ chức Re:Wild cho biết: Đây là một khái niệm về khôi phục các hệ sinh thái tự nhiên. Việc đưa các loài bản địa trở lại sinh cảnh sống là một phần quan trọng của tái hoang dã, bởi hiện nay, một số loài đã biến mất và gây hiện tượng “rừng rỗng”. Rất ít khu rừng có thể phục hồi tự nhiên, kể cả khi các mối đe dọa giảm đi đáng kể. Tất cả các loài nên có ở một khu vực cần được đảm bảo điều kiện sống trong mật độ tự nhiên, để chúng thực hiện chức năng của mình đối với hệ thống sinh thái, giúp hệ sinh thái phục hồi và hoạt động hiệu quả.

“Tại Việt Nam, nhiều loài có quần thể rất thấp so với tự nhiên, và có những loài đã rất gần với tình trạng tuyệt chủng, nhiều loài đã biến mất. Chúng ta phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn tình trạng này. Các chương trình nuôi dưỡng và nhân giống bảo tồn các loài động vật là một quá trình dài, có thể sẽ phải mất nhiều năm để tái du nhập các loài động vật vào tự nhiên” - ông Barney Long nhấn mạnh.

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học chia sẻ về tái hoang dã tại một hội thảo về bảo tồn

Ông Nick Cox, Giám đốc Hợp phần Bảo tồn Đa dạng Sinh học cho rằng, cách đây 20 năm, chúng ta tập trung vào việc tìm hiểu thêm thông tin để nghiên cứu số lượng loài trong tự nhiên và hành động quá muộn. Hiện nay, dù không có đủ thông tin nhưng có thể nhận định, nhiều loài đang trên bờ vực tuyệt chủng và ở vào tình thế tương tự Sao la hay tê giác Java 1 sừng. Việc tập trung phục hồi quần thể loài và tái hoang dã là cách duy nhất giữ cho các loài này không biến mất khỏi Việt Nam.

Điều Việt Nam thực sự cần là một số ví dụ thành công điển hình để trở thành hình mẫu, nhưng thời gian không cho phép. Đây là lý do vì sao một nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan tới công tác bảo tồn là cực kỳ quan trọng. Một số tổ chức phi chính phủ địa phương đã và đang triển khai các nghiên cứu để chuẩn bị tái hoang dã một số loài bản địa. Bên cạnh nỗ lực hợp tác giữa các cơ quan quản lý, tổ chức bảo tồn, việc xây dựng các kế hoạch bảo tồn loài, tái hoang dã chi tiết sẽ giúp cụ thể hóa tầm nhìn này một cách nhanh chóng nhất.

Bước chuẩn bị để đưa các loài trở về tự nhiên

BCA đã tiến hành một số phân tích khoa học chuyên sâu đối với một số loài động vật, đặc biệt là ở vùng Trung Trường Sơn của Việt Nam, nhằm hiểu thông tin cần thiết để tạo ra một quần thể có khả năng sinh sản. Sau đó, trong khoảng 10 - 15 năm tới sẽ có thể đưa chúng trở lại tự nhiên.

Trong giai đoạn đầu, thông qua sự đầu tư của USAID, BCA đã có một số ý tưởng về xây dựng các cơ sở cứu hộ động vật, với những điều kiện cần thiết để chăm sóc một số loài ưu tiên trong điều kiện nuôi nhốt. Các chuyên gia đã tính toán số lượng cá thể cơ sở cần thiết của loài đó trong tự nhiên, thời gian nuôi nhốt và dự kiến bao nhiêu năm sau khi nhân giống thành sẽ bắt đầu thả về môi trường tự nhiên.

Lần cuối cùng một cá thể Sao la được nhìn thấy trong tự nhiên là vào năm 1998.

Về địa điểm cụ thể, BCA dự kiến lựa chọn 2 trong số 21 khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ trên cả nước mà dự án đang hỗ trợ, đặc biệt là ở miền Trung, để thành lập cơ sở.

“Thực tế, vẫn có rất nhiều mối đe dọa đối với động vật hoang dã, như việc đặt bẫy trong rừng vẫn còn phổ biến với mật độ cao. Ngay cả khi chúng ta loại bỏ những mối đe dọa đó ra khỏi rừng ngày nay, thật đáng buồn là nhiều quần thể động vật hoang dã sẽ mất nhiều thập kỷ để phục hồi hoặc chúng có thể không bao giờ phục hồi được nữa, vì vậy sự can thiệp này cực kỳ quan trọng. Các quần thể động vật hoang dã của Việt Nam sẽ không thể phục hồi, trừ khi con người tích cực can thiệp và tạo điều kiện hết mức có thể” - ông Nick Cox chia sẻ.

 

 

 

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục