,

Đề nghị sửa đổi quy định về việc giao đất rừng

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế xã hội vào ngày 1/6, Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến việc giao đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cho các tổ chức kinh tế để khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu dưới tán rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

 

Theo Đại biểu, Luật Đất đai năm 2013 quy định Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, giao đất rừng phòng hộ cho tổ chức quản lý, bảo vệ rừng để khoán khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng rừng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được kết hợp sử dụng đất vào mục đích khác theo quy định pháp luật về bảo vệ phát triển rừng.

Việc quy định như vậy thì đối với các tổ chức kinh tế như là các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không phải là tổ chức quản lý về rừng sẽ không được Nhà nước giao đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, dẫn đến các doanh nghiệp, hợp tác xã và các tổ chức kinh tế rất khó khăn trong tiếp cận nguồn đất đai này, đặc biệt là đối với các dự án về trồng dược liệu. Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định liên quan đến việc giao đất rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ cho các tổ chức kinh tế, làm sao để khai thác, bảo tồn, phát triển dược liệu dưới tán rừng sản xuất, rừng tự nhiên, rừng phòng hộ.

Cũng theo Đại biểu, Nghị quyết số 81 của Quốc hội khóa XV về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra định hướng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc là tập trung bảo vệ rừng tự nhiên, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, khôi phục rừng gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững, nâng cao đời sống của làm nghề rừng.

Song, do chính sách và nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ, phát triển rừng chưa phù hợp, mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, rừng phòng hộ sản xuất còn thấp, cuộc sống của người dân còn vô cùng khó khăn. Các biện pháp bảo vệ giữ rừng hiện nay chỉ tập trung hướng bảo tồn mà chưa quan tâm nhiều đến khai thác lợi thế dưới tán rừng tự nhiên.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận

Để thực hiện hiệu quả hơn cho công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát huy lợi thế tài nguyên rừng, Đại biểu đề nghị Chính phủ xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cần quy định rõ việc phân vùng lâm nghiệp trọng điểm, trong đó quan tâm chính sách đầu tư, chính sách chi thường xuyên, chính sách khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

Đồng thời, nâng mức khoán khoanh nuôi bảo vệ rừng từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng trên một hecta lên tối thiểu 1 triệu đồng trên một hecta trên năm,; nâng mức kinh phí quản lý bảo vệ rừng ổn định cho Ban quản lý rừng đặc dụng từ 100.000 đồng lên 200.000 đồng trên hecta trên năm…. Với những tỷ lệ như thế thì sẽ đảm bảo được sự công bằng, hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.

Đặc biệt, cần xem xét, bổ sung tiêu chí tỷ lệ đất rừng có độ che phủ rừng của những địa phương có tiêu chí cao, tỷ lệ cao đưa vào tiêu chí phân bổ dự toán chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi đúng với tinh thần tại Nghị quyết số 19 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đó là có cơ chế điều tiết, phân bổ ngân sách đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các địa phương có diện tích đất trồng lúa, đất rừng lớn với các địa phương khác, hỗ trợ nâng cao đời sống của người trồng lúa, người trồng rừng.

Phán ánh vấn đề khó khăn khi chuyển mục đích sử dụng đất, rừng, Đại biểu cho biết, hiện nay việc triển khai một số dự án đầu tư trọng điểm trên địa bàn các tỉnh miền núi gặp nhiều khó khăn do thời gian thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng kéo dài, trong khi diện tích rừng không tập trung mà nằm xen kẽ nhỏ lẻ với các loại đất khác. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ được quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đối với rừng phòng hộ dưới 20 hecta, rừng sản xuất dưới 50 hecta, không được chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác trừ dự án của Chính phủ đã được phê duyệt.

Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ cho phép đối với các tuyến giao thông đã có trong quy hoạch và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt khi triển khai các dự án này thì địa phương không phải thực hiện thủ tục xin ý kiến về chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Cho thực hiện đồng thời việc chuyển mục đích sử dụng đất với chuyển mục đích sử dụng rừng để tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý, sử dụng đất và rừng. Giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng đặc dụng với một diện tích phù hợp, chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên là rừng sản xuất, rừng tự nhiên có trữ lượng thấp hoặc không có khả năng phát triển thành rừng có trữ lượng để tạo điều kiện cho địa phương thực hiện công trình, dự án đầu tư trên địa bàn và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục