,

Tuyên Quang phát triển nền kinh tế xanh

Từ việc bảo vệ nghiêm ngặt và không ngừng phát triển vốn rừng, Tuyên Quang thực sự là điển hình về giữ gìn môi trường sinh thái, ít bị tác động của thiên tai, lụt bão. Có thể nói, đây là tài sản quý giá tạo lợi thế cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó trọng tâm là phát triển du lịch. Môi trường là 1 trong 3 trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển nhanh và bền vững đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tiễn, đạt những kết quả quan trọng...

 

Bài 2: Kinh tế xanh, trụ cột phát triển bền vững

Bền bỉ thực hiện mục tiêu

Du lịch Tuyên Quang không thể cạnh tranh với các địa phương nếu không định vị được môi trường sinh thái là tài sản quý để có chiến lược bảo vệ. Làm tốt điều này, trong nhiều năm qua, du lịch Tuyên Quang đã trở thành 1 trong 3 khâu đột phá trong chiến lược phát triển của tỉnh.

Từ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã xác định, du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá để phát triển. Đây cũng là chủ trương lớn của Đảng được Tuyên Quang vận dụng sáng tạo, cụ thể vào điều kiện thực tiễn của tỉnh để tạo ra sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh mang tính nền tảng để bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục xác định, du lịch là 1 trong 3 khâu đột phá để đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Trước đó, tại buổi làm việc của Bộ Chính trị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý hỗ trợ Tuyên Quang về thủ tục đề nghị UNESCO công nhận hồ sinh thái Na Hang và hồ Ba Bể (Bắc Cạn) là di sản thiên nhiên thế giới. Tài sản quý giá về môi trường sinh thái tiếp tục được phát huy để du lịch Tuyên Quang ghi dấu ấn đậm nét trong bản đồ du lịch trong nước và thế giới.


Du khách tham quan các sản phẩm nông sản tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương).
Ảnh: Thành Công

Cụ thể hóa Nghị quyết số 08, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khai thác tiềm năng, lợi thế; thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, nhằm đưa ngành “công nghiệp không khói” phát triển, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động.

UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, đề án phát triển du lịch, xác định rõ những loại hình du lịch có lợi thế để thu hút đầu tư phát triển, bao gồm: Du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch lễ hội, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch tâm linh và du lịch cộng đồng. Đây là sự định vị quan trọng để đầu tư hạ tầng cho các khu du lịch, thu hút đông đảo du khách đến với Tuyên Quang.

Đầu tư xứng tầm

Từ môi trường sinh thái được bảo vệ, giữ gìn, hoạch định chính sách, chiến lược cho phát triển du lịch, tỉnh đã thu hút được lượng lớn khách du lịch đến với Tuyên Quang thăm thú, nghỉ dưỡng. Đặc biệt, Lễ hội Thành Tuyên trở thành thương hiệu nổi tiếng được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan.

Lượng khách du lịch đến Tuyên Quang mỗi năm một tăng, năm 2017 thu hút 1.590.000 lượt khách, năm 2018 thu hút 1.760.000 lượt khách, đến năm 2019 thu hút 1.945.650 lượt khách, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra trước 1 năm. Doanh thu xã hội từ du lịch cũng tăng hàng năm, năm 2017 khoảng 1.380 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt 1.750 tỷ đồng. Đây là con số tương đối ấn tượng, nhưng đánh giá một cách khách quan, du lịch vẫn chưa tạo ra nhiều cơ hội việc làm và thu nhập cho người dân. Báo cáo Chính trị trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII cũng đã nhận định rõ, du lịch Tuyên Quangphát triển chưa tương xứng với tiềm năng, khả năng thu hút khách lưu trú dài ngày thấp; chưa có nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, bản sắc có sức hấp dẫn và cạnh tranh cao tạo được sự bứt phá để phát triển.


Cầu Tình Húc (TP Tuyên Quang). Ảnh: Việt Hoà

Trước yêu cầu phát triển du lịch trong giai đoạn mới, cùng với việc tiếp tục làm tốt công tác bảo vệ môi trường sinh thái, trọng tâm là giữ rừng nguyên sinh, phát triển vốn rừng trồng, tỉnh đẩy mạnh cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh đã thu hút nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào lĩnh vực này, tiêu biểu là Tập đoàn VinGroup, FLC, Mường Thanh, Royal… Các dự án được các tập đoàn triển khai gắn liền với môi trường sinh thái của Tuyên Quang, trong đó trọng tâm là xây dựng hệ thống biệt thự, khu vui chơi giải trí, phát triển vùng nông nghiệp sạch. Tới đây, Tập đoàn Sun Group đầu tư dự án tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) trên quy mô 800 ha với hệ thống khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp với thăm thú các điểm du lịch, nhà vườn tại tỉnh. Tại thành phố Tuyên Quang cũng đang triển khai các khu nghỉ dưỡng sang trọng như khu đô thị Mimosa trên 60 ha của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng; khu đô thị An Phú trên 85 ha của Công ty TNHH Hiệp Phú, khu đô thị VIDEC trên 20 ha của Tập đoàn VIDEC (Hà Nội)… Như vậy, sự kết nối giữa Khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng đang được Tập đoàn VinGroup đầu tư, phấn đấu hoàn thiện, đưa vào khai thác trong năm 2011 với khu du lịch của Tập đoàn Sun Group và các khu nghỉ dưỡng thành phố Tuyên Quang, Sơn Dương đầu tư trong thời gian tới sẽ tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, mang lại nhiều lợi ích cho người dân sở tại.

Vấn đề đặt ra trong giai đoạn này để du lịch Tuyên Quang phát triển mạnh mẽ là hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng để rút ngắn khoảng cách giữa tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và cả nước. Với những nỗ lực đầu tư hệ thống giao thông kết nối, Tuyên Quang đã xây dựng nhiều cây cầu lớn gắn với các tuyến quốc lộ đến các tỉnh, thành phố trong nước, tạo động lực phát triển kinh tế, thu hút khách du lịch. Mới đây, tỉnh đã đưa vào sử dụng cầu Tình Húc bắc qua sông Lô thuộc địa phận phường An Tường, Nông Tiến, nối Quốc lộ 37 với Quốc lộ 2 cũng là điểm đến các khu du lịch đang được triển khai trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị động lực và hạ tầng công  nghệ thông tin đồng bộ, theo hướng hiện đại là khâu đột phá cũng không ngoài mục tiêu giao thương hàng hóa cũng như tạo thuận lợi để du khách đến với Tuyên Quang. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nâng cấp các tuyến quốc lộ; xây dựng mới 3 cây cầu lớn là cầu Minh Xuân (TP Tuyên Quang), cầu Bình Xa (Hàm Yên), cầu Xuân Vân (Yên Sơn). Tỉnh đang đẩy mạnh tiến độ xây dựng Bảo tàng Tân Trào và phòng chiếu phim; hoàn thiện Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), tạo tiền đề quan trọng để kết nối du lịch lịch sử, sinh thái, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh.

Khi dịch bệnh Covid-19 đã được khống chế trong cả nước, Tuyên Quang cũng đã làm tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch, chắc chắn trong thời gian tới hoạt động du lịch sẽ được khôi phục mạnh mẽ. Hoạt động đầu tư phát triển du lịch được Tuyên Quang tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh sẽ “đón đầu” lượng khách trong nước cũng như quốc tế khi dịch bệnh được khống chế hoàn toàn. Những giá trị của sự đầu tư cho nền kinh tế xanh sẽ phát huy giá trị, đời sống nhân dân sẽ được nâng cao, du lịch thực sự là trụ cột trong hành trình đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong các tỉnh miền núi phía Bắc.


baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục