,

Pháp luật về môi trường: Bất cập của Việt Nam và kinh nghiệm từ Nhật Bản

Bảo vệ môi trường bằng pháp luật là một định hướng cơ bản của hoạt động bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên, dù đã có luật cũng như chính sách về bảo vệ môi trường, nhưng việc thực thi ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn và tiến hành khá muộn so với các nước khác. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường (MONRE) đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức Hội thảo “Thực thi luật và Chính sách bảo vệ môi trường” ngày 09/03 tại Hà Nội, nhằm trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực thi luật môi trường của Nhật Bản.

Bất cập của pháp luật và chính sách bảo vệ môi trường tại Việt Nam

Hiện nay, trong hệ thống pháp luật ở nước ta có khá nhiều các văn bản liên quan đến môi trường có thể kể đến như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng…. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia vào các Công ước quốc tế về bảo vệ môi trường tiêu biểu như: Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR), Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật nguy cấp (CITES), Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu…

Thế nhưng, những văn bản, chính sách này vẫn còn nhiều hạn chế như văn bản luật còn thiếu, chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, bộc lộ những bất cập, vướng mắc trong quá trình thực hiện, hiệu lực thi hành thấp. Đồng thời, sự gắn kết với các Công ước quốc tế liên quan còn mờ nhạt.

Điển hình là việc triển khai Luật Bảo vệ môi trường ở Việt Nam. Dù đã ban hành từ năm 1994, đến nay đã trải qua 17 năm thi hành và có bổ sung, sửa đổi, cùng nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai, nhưng so với các nước phát triển, lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn khá mới và chỉ được quan tâm đặc biệt trong khoảng 5 năm trở lại đây do yêu cầu quản lý môi trường trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, pháp luật về bảo vệ môi trường chưa điều chỉnh hết các mối quan hệ trong xã hội, một số văn bản còn chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng không sát với thực tế, thiếu tính khả thi, không thể thi hành được.

Cụ thể như, việc xử lý hình sự đối với tội phạm môi trường gặp nhiều khó khăn do Luật hình sự quy định chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân, nhưng thực tế ở Việt Nam thì việc gây ô nhiễm môi trường lại chủ yếu do các tổ chức. Hay như vụ xả thải gây ô nhiễm của Công ty Vedan Việt Nam đến nay vẫn chưa xác minh xong thiệt hại là do kinh phí cho bảo vệ môi trường thấp, dẫn đến thiếu trang thiết bị kỹ thuật để kiểm tra, phân tích ô nhiễm.

Mặt khác, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường chưa được thực hiện thường xuyên, nên các doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa ý thức được trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình đối với cộng đồng.

Chia sẻ kinh nghiệm thực thi luật môi trường từ Nhật Bản

Khác với Việt Nam, ngoài khung pháp lý rất đầy đủ về môi trường, Nhật Bản có hẳn một hệ thống tư pháp, thực thi luật môi trường được phân cấp rõ ràng từ quốc gia đến địa phương. Theo đó, việc ban hành luật là do Nghị viện, Chính phủ hay Bộ Môi trường là cơ quan thi hành, còn chính quyền địa phương, cảnh sát tỉnh chỉ làm nhiệm vụ điều tra các hành vi vi phạm môi trường, mọi vi phạm liên quan đến môi trường đều do Tòa án xét xử.

Đặc biệt, theo bà Hideko Takemiya – Thẩm tra viên Ủy ban Điều phối tranh chấp môi trường Nhật Bản (EDCC), từ năm 1970, 14 luật môi trường ở Nhật Bản đã được ban hành và sửa đổi, trong đó, phải kể đến Luật Giải quyết tranh chấp môi trường (EDSL), đã bảo vệ quyền lợi của cộng đồng, giảm thiểu gánh nặng cho nạn nhân môi trường trong việc đòi bồi thường thiệt hại.

Từ đó, một hệ thống các tổ chức giải quyết tranh chấp môi trường ở Nhật Bản đã được thành lập, đứng đầu là Ủy ban Điều phối tranh chấp môi trường (EDCC), rồi đến các Ủy ban kiểm tra tình trạng ô nhiễm cấp tỉnh (PPECs). Các Ủy ban này sẽ tiếp nhận các vụ kiện môi trường với các thủ tục như: hòa giải, trung gian hòa giải, phân xử, xét xử trách nhiệm và xét xử nguyên nhân. Nhờ vậy, các tranh chấp môi trường đã được giải quyết nhanh chóng, đơn giản hóa và chính xác, đảm bảo được quyền lợi của người bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, cũng trong Hội thảo “Thực thi luật và Chính sách bảo vệ môi trường” ngày 09/03, các chuyên gia của Ủy ban Điều phối tranh chấp môi trường Nhật Bản (EDCC) đã chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc thí điểm về giải quyết các tranh chấp môi trường tại Nhật Bản, cụ thể là việc xử lý vi phạm nghiêm trọng đối với luật quản lý chất thải.

Hy vọng qua Hội thảo này, những kinh nghiệm từ Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam tăng cường tính thực thi các quy định về môi trường, đồng thời nâng cao tính tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường của các cơ sở công nghiệp tại Việt Nam.

Thiennhien.net

Tin cùng chuyên mục