,

Thách thức phát triển năng lượng mặt trời ở nơi xa xôi và lạnh lẽo nhất trái đất

Ở thị trấn Qaanaaq, cực Bắc Greenland, người dân vẫn sinh hoạt theo cách xưa cũ, không có lịch cũng như không đồng hồ. Thay vào đó, người ta xác định thời gian dựa vào các đợt di cư của động vật cũng như các đợt triều cường dâng lên và rút xuống.

 

Thị trấn xa xôi nhất

Nằm cách Bắc Cực chưa đầy 1.600 km, Qaanaaq (Greenland, Đan Mạch) được biết đến là nơi xa xôi nhất trên trái đất với khoảng 650 cư dân sinh sống. Qaanaq là một phần của Greeland (Đan Mạch) và chỉ mới có người sinh sống từ cách đây 71 năm. Dù vậy, Qaanaaq cũng được đánh giá cao về thiên nhiên với đại dương và những ngọn núi kỳ vĩ.

Người Qaanaq sống bằng nhiều nghề, bao gồm săn bắt hải cẩu và đánh bắt cá. Họ theo dõi thời gian dựa vào các đợt di cư của động vật, cũng như sự thay đổi của triều cường. Tuy nhiên, những khả năng này đang bị hạn chế, một phần do tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, nguồn thu nhập từ các hoạt động săn bắn cũng giảm dần, không đủ để chi trả cho nhu cầu hiện đại của người dân như phí dịch vụ di động và hàng hoá.

Adolf Simigaq, Phó Chủ tịch hiệp hội thợ săn địa phương cho biết: “Bây giờ mọi thứ đều có giá”.

Đặc biệt là điện. Tất cả điện của Qaanaaq đều đến từ máy phát điện diesel và hầu hết các ngôi nhà đều được sưởi ấm bằng dầu. Nhiên liệu được cung cấp mỗi năm một lần, trong khoảng thời gian ngắn ngủi vào mùa hè khi băng biển tan và tàu có thể vào bờ.

Mặc dù Đan Mạch trợ cấp rất nhiều cho các chuyến hàng như một phần trong thỏa thuận tự quản của lãnh thổ, nhưng thời tiết lạnh giá và kéo dài không có ánh sáng mặt trời đồng nghĩa với việc nhu cầu năng lượng vẫn cao ngất ngưởng. Nhiều gia đình chi cho nhiệt và điện nhiều hơn là mua thực phẩm.

Qaanaaq cách Bắc Cực chưa tới 1.600 km, được coi là thị trấn xa xôi và lạnh lẽo nhất trái đất. Ảnh: Washington Post

Giải pháp năng lượng tái tạo

Khi biến đổi khí hậu tiếp tục tác động tới mọi nơi trên trái đất, kể cả thị trấn xa xôi nhất như Qaanaaq, các kỹ sư của Đại học Darthmouth đang phối hợp với cô Toku Oshima, một người dân bản địa, để đưa năng lượng tái tạo tới một trong những nơi xa xôi và lạnh lẽo nhất trái đất.

Phát triển năng lượng điện gió và mặt trời sẽ giúp cư dân thị trấn Qaanaaq giảm bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt cũng như áp lực tài chính. Đồng thời, năng lượng tái tạo cũng là chìa khoá giúp Qaanaaq, cũng như nhiều nơi khác, đóng góp cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, vốn đang khiến hành tinh nóng lên.

Tuy vậy, những nỗ lực này mới chỉ ở giai đoạn đầu. Trong đó, cô Oshima và các đối tác từ Đại học Darthmouth vẫn đang phát triển thiết bị phục vụ nỗ lực chuyển đổi năng lượng. Đối với môi trường có phần biệt lập và khắc nghiệt như Qaanaaq, các nhà nghiên cứu sẽ cần tới kinh nghiệm và kỹ năng của cộng đồng bản địa. Dựa vào đó để phát triển nhiều mẫu nghiên cứu phù hợp với điều kiện tại Qaanaaq. Người dân sẽ trực tiếp trải nghiệm và xác định hiệu quả của các mô hình.

Kỹ sư Mary Albert của Đại học Dartmouth, đồng lãnh đạo dự án, coi những gì được triển khai ở Qaanaa là một mô hình tiềm năng cho những nỗ lực bền vững trên toàn thế giới. Cô nói: “Đây là quá trình phát triển kiến thức, phối hợp cùng nhau để người dân có thể tiếp tục sống ở nơi họ muốn và sống theo cách họ muốn”.

Đối với Oshima, sáng kiến này là “món quà cho thế hệ tiếp theo” - một khoản đầu tư vào tương lai của Qaanaaq nhằm tạo không gian duy trì truyền thống.  Cô nói: “Nếu muốn giữ người dân ở lại, chúng ta phải tạo ra nhiều năng lượng hơn. Đó là văn hóa của chúng tôi. Chúng tôi đang cố gắng giữ gìn văn hóa của mình”.

Nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Dartmouth đang hỗ trợ người dân Qaanaaq chuyển đổi sang giải pháp năng lượng tái tạo. Ảnh: Washington Post

Những thách thức và trở ngại

Trước khi tham gia vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng cho Qaanaaq, bà Albert đã có chuyến thăm tới thị trấn xa xôi và lạnh lẽo này, trực tiếp gặp gỡ và trao đổi với người dân địa phương để hiểu mong muốn và nhu cầu của họ. 

Sau chuyến đi, bà Albert đã nhận được 2,6 triệu USD tài trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia và một nhóm các nhà nghiên cứu ở Dartmouth, hỗ trợ xây dựng chiến lược cho Qaanaaq. Theo đó, các nhà nghiên cứu gọi sáng kiến của mình là “Qulleq”, nghĩa những chiếc đèn bằng đá mà người dân Greenland từng dùng để thắp sáng nhà cửa.

Cả nhóm nhận định quá trình chuyển đổi năng lượng tái tạo, tách khỏi nhiên liệu hoá thạch của Qaanaaq một thách thức lớn. Trong đó, băng có thể khiến tua-bin gió khó hoạt động; và pin cạn kiệt nhanh khi trời lạnh.

Vị trí địa lý xa xôi của Qaanaaq cũng là một trở ngại không nhỏ. Nhóm Dartmouth chỉ có thể đến thăm Qaanaaq hai lần một năm và thị trấn không có kỹ thuật viên tay nghề cao để sửa chữa máy móc bị trục trặc trong thời gian đó. Nếu một thiết bị nào đó bị hỏng, người dân có thể phải đợi cả năm cho tới khi các tàu tiếp tế giao thiết bị thay thế.

Để giải quyết nhưng thách thức trên, cả nhóm đã trực tiếp nói chuyện cùng người dân địa phương, qua đó xác định những mục tiêu đầu tiên, đó là chính những căn nhà tại Qaanaaq.

Về vấn đề này, cô Alyssa Pantaleo, nghiên cứu sinh tại Đại học Dartmouth đã hợp tác với anh Kim Petersen, thợ mộc địa phương, để tìm kiếm giải pháp giúp những căn nhà có thể cách nhiệt tốt hơn. Họ cùng nhau xây dựng thiết kế mới và kỳ vọng sử dụng thiết kế này để xây dựng những ngôi nhà giá rẻ cho ngư dân Qaanaaq trong năm tới.

Tiếp đó, các nhà nghiên cứu Qulleq đã phân tích cách phát triển năng lượng mặt trời vào mùa hè tại Qaanaaq để đáp ứng nhu cầu về điện. Nếu thành công, nỗ lực này sẽ giúp thị trấn tạm dừng hoạt động nhà máy phát điện diesel trong khoảng 6 tháng mỗi năm, qua đó tiết kiệm được từ 10.000 đến 200.000 USD hàng năm. Các công ty điện lực hiện đang đàm phán để triển khai các khuyến nghị của nhóm.

Bà Albert lưu ý, không giống như hầu hết các dự án khoa học tập trung vào việc giải quyết một câu hỏi cụ thể hoặc giải quyết một vấn đề duy nhất, nhóm Qulleq đang thực hiện cách tiếp cận “tất cả những điều trên”, bao gồm triển khai các công nghệ hiện có và hướng tới những công nghệ khác, để hỗ trợ phát triển năng lượng mặt trời ở Qaanaaq.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục