,

Góp ý Thông tư quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Vụ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) thuộc Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Bộ TN&MT. Tới dự và chủ trì hội thảo có Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai cùng sự tham dự của đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ.


Theo đại diện lãnh đạo Vụ KH&CN được biết, Dự thảo lần thứ 7 của Thông tư bao gồm 8 chương và 42 điều nhằm quy định việc quản lý và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TN&MT. Quy chế này không áp dụng đối với Dự án tăng cường năng lực nghiên cứu cho các tổ chức khoa học và công lập thuộc Bộ TN&MT và đề tài nghiên cứu cơ bản do Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia quản lý. Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và các tổ chức, cá nhân liên quan.
Góp ý cho dự thảo Thông tư các đại biểu tham dự hội thảo cho rằng, trong Thông tư cần xác định rõ từng đề tài đơn vị chủ quản, đơn vị chủ trì, đơn vị thực hiện cho cụ thể. Đồng thời trong quá trình nghiệm thu đề tài phải lồng ghép linh hoạt nhiệm vụ của hội đồng nghiệm thu sao cho tiết kiệm và đẩy nhanh được tiến độ triển khai đề tài.

Toàn cảnh Hội thảo

Thông tư cũng cần phải bổ sung chú ý tới việc đình chỉ đề tài khi không đáp ứng được yêu cầu. Cơ quan có thẩm quyền trong việc phê duyệt đề tài phải có chức năng nhiệm vụ rõ ràng, cơ quan chủ trì cũng phải có nhiệm vụ đôn đốc tiến độ thực hiện các đề tài, công trình khoa học. Mặt khác cũng cần phải có điều khoản khống chế thời gian phê duyệt các danh mục đề tài để đảm bảo tiến độ được triển khai nhanh rộng. Thông tư cũng cần bổ sung việc lưu trữ kết quả các công trình, đề tài khoa học tại các đơn vị thực hiện để phát huy cao nhất hàm lượng khoa học, làm cơ sở cho các đơn vị tham khảo và học tập, ứng dụng.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai chỉ đạo, các ý kiến về việc định nghĩa những khái niệm liên quan tới việc giải thích từ ngữ ở điều 2, các đơn vị cho ý kiến phải gửi về cho Vụ KH&CN để bổ sung, chỉnh sửa. Bên cạnh đó, ban soạn thảo Thông tư cần phải phân rõ trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng tư vấn đề tài. Việc nghiệm thu các đề tài phải đảm bảo sự lồng ghép các bước thực hiện sao cho linh hoạt. Bên cạnh đó, Thông tư cũng cần nhấn mạnh tới việc chuyển giao kết quả của đề tài được ứng dụng sâu rộng tới các đơn vị.

Monre

Tin cùng chuyên mục