,

Các mô hình ứng phó với biến đổi khí hậu cần được nhân rộng

Cơ sở y tế ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu (BĐKH), trường học ứng phó thông minh với BĐKH, trường học không phát thải… Những mô hình này đã được triển khai tại một số địa phương và cho thấy những hiệu quả tích cực, cần được nhân rộng.

 

Cơ sở y tế ứng phó hiệu quả với BĐKH

Một trong những mục tiêu trong Kế hoạch hành động về ứng phó Biến đổi khí hậu giai đoạn 2019-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Y tế là tăng cường năng lực của các đơn vị y tế trong việc thích ứng với BĐKH để ngăn chặn và giảm thiểu các rủi ro về môi trường và BĐKH đối với hệ thống y tế và sức khỏe con người.

Cụ thể mục tiêu của Kế hoạch trên, 3 năm qua, Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã triển khai xây dựng các mô hình cơ sở y tế (CSYT) thích ứng biến đổi khí hậu và bền vững môi trường tại một số địa phương.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa huyện Bắc Hà (Lào Cai), Bệnh viện đa khoa huyện Yên Thành (Nghệ An), Bệnh viện đa khoa khu vực Cù Lao Minh (Bến Tre) đại diện cho 3 vùng miền khí hậu Việt Nam được chọn thực hiện. Từ đó biên soạn “Hướng dẫn xây dựng Cơ sở y tế có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và môi trường bền vững” nhằm áp dụng trên phạm vi toàn quốc.

Mô hình có các hợp phần như: Quản lý nước sạch, vệ sinh và chất thải y tế; Tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức; Hiệu quả sử dụng năng lượng và năng lượng xanh; Cải thiện nền tảng hạ tầng, công nghệ và sản phẩm.

Dựa trên hiện trạng của 3 cơ sở y tế, dự án đã đề xuất nhiều giải pháp giúp tiết kiệm điện, tăng hiệu suất sử dụng thiết bị và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Từ đơn giản như phân loại và dán hướng dẫn sử dụng điều hòa, kiểm tra thường xuyên các tấm dán cách nhiệt cho cửa sổ, bọc bảo ôn cách nhiệt cho hệ thống hấp dụng cụ y tế tới phức tạp như thay thế đèn cao áp LED mặt trời.

Về thích ứng với các tác động tiêu cực từ BĐKH, dự án đã hỗ trợ bệnh viện Đa khoa huyện Yên Thành (tỉnh Nghệ An) đầu tư hệ thống xử lý chất thải lỏng mới với công xuất xử lý 200m3/ngày. Giúp tiết kiệm chi phí cho bệnh viện từ 30 triệu đồng chi trả cho tiền nước mỗi tháng xuống còn 8 triệu đồng. Đại diện WHO tại Việt Nam cho rằng, việc có nguồn cung nước sạch an toàn là một điều kiện tiên quyết để mang đến các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, và giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế ngay tại nơi mình đang sống. Đầu tư vào thích ứng biến đổi khí hậu cũng giúp giảm chi phí và đóng góp vào việc xây dựng hệ thống y tế hiệu quả và công bằng hơn.

 Ngày 17/11/2023, tại cuộc họp Nhóm đối tác y tế về Biến đổi khí hậu và sức khỏe, công bố Việt Nam đã tham gia Liên minh hành động chuyển đổi về biến đổi khí hậu và sức khỏe (ATACH) để giúp hệ thống y tế góp phần thực hiện mục tiêu của đất nước đạt mức phát thải khí carbon bằng 0 vào năm 2050.

Trường học ứng phó thông minh với BĐKH

Với mục tiêu giải quyết các vấn đề trẻ em gặp phải đối với BĐKH, vừa qua, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) phối hợp cùng Trung tâm Quốc gia về Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn triển khai dự án Innovation for Children.

Dự án tiến hành đánh giá nhu cầu và khảo sát tại 7 đơn vị trường học trường học và cộng đồng ở tỉnh Sóc Trăng về thực trạng và nhu cầu cải thiện, tiếp cận nước sạch và vệ sinh môi trường, đồng thời nâng cấp và áp dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời). Trên cơ sở đó hỗ trợ các trường học và cộng đồng ứng phó với các tác động của ứng phó thông minh với BĐKH thông qua các sáng kiến thông minh.

Thông qua dự án, Trường Tiểu học Long Phú C (xã Trường Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng) trở thành điểm trường đầu tiên tại Việt Nam có hệ thống nhà vệ sinh không phát thải được thiết kế và lắp đặt. Giải pháp tiên tiến này sử dụng năng lượng mặt trời, biến nước thải thành nước an toàn, không chứa vi khuẩn để tái sử dụng cho mục đích xả nhà vệ sinh, góp phần giải quyết các vấn đề do hạn hán và xâm nhập mặn gây ra.

Trường Tiểu học Long Phú C (tỉnh Sóc Trăng) là điểm trường đầu tiên có nhà vệ sinh không phát thải. Ảnh: UNICEF Việt Nam

Dự án còn tập trung vào việc thúc đẩy khung chương trình giáo dục về ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu, nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về các tác động của biến đổi khí hậu và cách thức ứng phó. Học sinh được trang bị và áp dụng kỹ năng xanh cùng với lối sống bền vững.

Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 40% trường học không có nước sạch và cơ sở vật chất hợp vệ sinh. Và theo dự báo từ ngành chức năng, nếu mực nước biển dâng thêm 1m vào năm 2100, Sóc Trăng sẽ bị ngập trên 72% diện tích tự nhiên khi triều cường xảy ra. Do đó, tỉnh Sóc Trăng mong những dự án tương tự được triển khai và nhân rộng, nhằm hỗ trợ cộng đồng ứng phó thông minh, hiệu quả với các tác động của biến đổi khí hậu.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục