,

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu

Xây dựng hệ thống luật pháp đầy đủ, rõ ràng là một mục tiêu quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu được đẩy mạnh tại Việt Nam trong khoảng 5 năm nay. Trong quá trình thực hiện, Việt Nam nhận thấy phải đối mặt với những thách thức về pháp lý liên quan và cần những cải cách về chính sách trong thích ứng với biến đổi khí hậu, tận dụng các cơ hội phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu. Một hành lang pháp lý đầy đủ, cập nhật và rõ ràng là điều kiện tiên quyết để các hoạt động ứng phó với BĐKH đi theo một hệ thống, mang tính chủ động, liên ngành chặt chẽ…

Hiện chúng ta chưa có một bộ luật về biến đổi khí hậu hay phòng chống thiên tai. Văn bản pháp lý quan trọng và cao nhất của Việt Nam liên quan đến BĐKH hiện có là Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 158/TTg tháng 12/2008. Đây là một trong những thành công ban đầu quan trọng trong nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH đã xác định những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như đánh giá mức độ của BĐKH, tác động BĐKH đến các lĩnh vực, các ngành và địa phương; Xác định các giải pháp ứng phó với BĐKH; Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ; Củng cố và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về ứng phó với  BĐKH; Nâng cao nhận thức và phát triển nguồn nhân lực; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Tích hợp vấn đề BĐKH vào các chiến lược phát triển kinh tế xã hội, ngành và địa phương; Xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động của các Bộ, ngành và địa phương để ứng phó với BĐKH.

Còn lại các luật và văn bản dưới luật chỉ thấp thoáng vấn đề BĐKH và có rất ít công cụ pháp luật để thích ứng và giảm nhẹ BĐKH. Còn có những chỗ hổng về khung pháp lý, cơ chế chính sách về phối hợp, về các hoạt động ưu tiên trong ứng phó với BĐKH. Ngoài ra, cũng chưa có cơ chế phối hợp triển khai Luật Biến đổi khí hậu, cơ chế ưu tiên cũng như các văn bản dưới luật quy định về vấn đề này. Một khó khăn nữa là sự thiếu nhận thức về BĐKH dẫn đến khó khăn trong thực thi, tuân thủ pháp luật.

Hệ thống pháp luật về biến đổi khí hậu đang dần hoàn thiện từng bước. Chiến lược quốc gia về BĐKH vừa được Chính phủ phê duyệt, xác định rõ tầm nhìn đến năm 2100, Việt Nam phấn đấu trở thành một quốc gia thịnh vượng, văn minh, phát triển bền vững với nền kinh tế cacbon thấp, ứng phó thành công với BĐKH và có vai trò quan trọng trong khu vực và thế giới.

Điểm nhấn của Chiến lược này là cần tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong ứng phó với BĐKH thông qua điều chỉnh, lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hoàn thiện và tăng cường thể chế, tổ chức. Theo đó, cần xây dựng, ban hành Luật BĐKH, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội về vấn đề BĐKH…

Monre

Tin cùng chuyên mục