,

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường

Đây là thông điệp được Bộ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Minh Quang khẳng định tại buổi gặp mặt các đối tác quốc tế nhân ngày mồng 8/3/2013 tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tham dự, có các Thứ trưởng Bộ TN&MT, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và Đại sứ các nước, Trưởng Đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
 
Thay mặt Bộ TN&MT Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhiệt liệt chào mừng sự hiện diện của các vị đại biểu, đặc biệt gửi lời chúc nồng ấm đến các đại biểu nữ nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Đồng thời khẳng định, đối với Bộ TN&MT, công tác hợp tác quốc tế luôn được chú trọng tổ chức và phát triển ngay từ những ngày đầu thành lập Bộ, trên cơ sở tiếp thu và phát triển các nhiệm vụ về hợp tác quốc tế thuộc các lĩnh vực chuyên môn, bắt nhịp cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Hoạt động hợp tác quốc tế trong thời gian qua được phát triển đúng hướng theo quan điểm đổi mới về chính sách đối ngoại, góp một phần đáng kể nguồn vốn hỗ trợ của các nhà tài trợ và các đối tác quốc tế cho công tác quản lý TN&MT.
Trong năm 2012, Bộ đã mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế song phương và đa phương, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn và quản lý đất đai; thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn vốn hỗ trợ việc thực hiện các nhiệm vụ của ngành. Hiện, Bộ đang chủ trì, tham gia 58 chương trình, dự án hỗ trợ nước ngoài với tổng kinh phí cam kết gần 430 triệu USD. Từ năm 2009 đến nay, Bộ đã xây dựng, vận động cho các chương trình, dự án ứng phó với BĐKH ở Việt Nam khoảng 850 triệu USD. Quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam với một số nước, như Đan Mạch, Hà Lan đã được thiết lập trong một số lĩnh vực hoạt động của Bộ, như ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên nước. Bộ đã nhận được sự hỗ trợ quý báu và hiệu quả của nhiều nước để triển khai các chương trình hành động mang tính chiến lược của Bộ, như sự hỗ trợ của Nhật Bản, Niu-Zi-lân, Pháp, Phần Lan, Thụy Điển, Úc, cũng như từ nhiều nước khác.
Sự hỗ trợ mạnh mẽ và hiệu quả của các Tổ chức Quốc tế tại Việt Nam, như các cơ quan của Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã đóng vai trò quan trọng trong việc huy động các nguồn tài trợ đa phương cho hoạt động của Bộ.
Đề ra những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2013 và giai đoạn tiếp theo, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh, ngành tài nguyên môi trường cần tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Bộ với các đối tác quốc tế. Trước đó, đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2012, Bộ trưởng cho biết: Năm qua là năm đánh dấu mốc 10 năm thành lập Bộ TN&MT, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn, song ngành TN&MT đã vượt qua, đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự phát triển bền vững đất nước.
Trong lĩnh vực quản lý đất đai, Bộ đã tập trung tổng kết việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 về đổi mới chính sách, pháp luật đất đai. Trên cơ sở đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 11 đã ban hành Nghị quyết mới làm cơ sở cho việc sửa đổi Luật Đất đai. Dự án Luật Đất đai sửa đổi đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến và hiện nay đang triển khai lấy ý kiến nhân dân.
Bộ đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất. Đến nay, cả nước đã cấp được gần 38 triệu GCN các loại với tổng diện tích gần 21 triệu ha; riêng trong năm 2012, cả nước đã cấp được trên 4,3 triệu GCN, tăng hơn hai lần so với kết quả của 2 năm 2010 và 2011.
 Các đại biểu lắng nghe, cùng chia sẻ kinh nghiệm hợp tác trong
lĩnh vực TN&MT
 
Về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, Bộ đã trình Quốc hội thông qua Luật Tài nguyên nước; trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành Luật. Triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác với các nước thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế; đẩy mạnh phối hợp với các nước có liên quan về hợp tác nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công.
Trong lĩnh vực địa chất và khoáng sản, Bộ đã tích cực xây dựng trình ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khoáng sản; đẩy mạnh công tác quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.
Về lĩnh vực môi trường, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; các đề án BVMT làng nghề, lưu vực sông. Chương trình mục tiêu quốc gia khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường đã được triển khai, tập trung cho 47 làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, Bộ đã tổ chức công bố Chiến lược quốc gia về BĐKH và Kịch bản BĐKH, nước biển dâng cho Việt Nam; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH, Kế hoạch hành động quốc gia về BĐKH... Bộ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục 61 dự án ưu tiên, cấp bách hỗ trợ ứng phó với BĐKH.
Về lĩnh vực đo đạc và bản đồ, Bộ đã tích cực thực hiện Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ Việt Nam đến năm 2020; bàn giao cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý cho 42/63 tỉnh, thành phố. Nhiệm vụ phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền được thực hiện nghiêm túc theo đúng yêu cầu đặt ra.
Cuối cùng, lĩnh vực quản lý tổng hợp thống nhất biển và hải đảo được đẩy mạnh ở trung ương và địa phương; triển khai xây dựng dự thảo Luật TNMT biển và hải đảo; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án Chính phủ giao.
Chia sẻ kinh nghiệm hợp tác, các đại biểu quốc tế cũng đánh giá cao những thành tựu mà ngành TN&MT Việt Nam đã đạt được trong năm qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cho rằng, cần thiết lập đồng bộ mối quan hệ song phương và đa phương, hợp tác kỹ thuật, công nghệ để quản lý, khai thác hiệu quả bền vững tài nguyên, bảo đảm môi trường.
Cũng tại buổi gặp mặt, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, trong năm 2013, toàn ngành TN&MT sẽ tập trung vào 7 nhiệm vụ chính, đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua, xây dựng trình Quốc hội về Luật BVMT (sửa đổi), trình Chính phủ ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành các Luật. Thứ hai, hoàn thiện Đề án “Chủ trương, giải pháp chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường” trình Hội nghị Trung ương 7 khóa 11. Nghị quyết được ban hành sẽ là định hướng quan trọng cho phát triển các lĩnh vực của ngành từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Thứ ba, tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp GCN quyền sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.Thứ tư, tăng cường triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước.Thứ năm, triển khai thực hiện tốt các đề án, chương trình BVMT trên cả nước. Hoàn thành xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.Thứ sáu, tập trung xây dựng quy hoạch quản lý sử dụng TN&MT biển, hải đảo; quy hoạch quản lý tổng hợp đới bờ làm cơ sở cho việc tổ chức khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội biển và hải đảo. Thứ bảy, đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực của ngành TN&MT, chú trọng vào các chương trình và định hướng lớn của từng lĩnh vực chuyên ngành, trong đó đặt trọng tâm vào các đề án xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, các hoạt động nhằm tăng cường năng lực quản lý nhà nước và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Monre

Tin cùng chuyên mục