,

Đẩy mạnh cung cấp thông tin dữ liệu từ mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia

Tính đến tháng 12/2021, Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam đang cung cấp dữ liệu định vị vệ tinh (miễn phí) cho các tổ chức, đã cấp phép sử dụng tín hiệu định vị vệ tinh trong thời gian thực cho khoảng 1450 tài khoản tương đương khoảng 3000 máy thu GNSS, trung bình sử dụng khoảng 350 máy thu/ngày, với tình trạng đăng ký sử dụng mới hàng tháng của các tổ chức trung bình khoảng 40 tài khoản.

Theo ông Hoàng Ngọc Huy, Phó Cục trưởng Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia xây dựng lắp đặt hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng trên phạm vi toàn quốc vào cuối năm 2019. Hiện nay, dữ liệu định vị vệ tinh đang được cung cấp miễn phí cho các tổ chức, cá nhân.

Theo đó, thông tin dữ liệu của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia đang được sử dụng cung cấp cho rất nhiều lĩnh vực như: đo đạc bản đồ, địa chính, giao thông, xây dựng, khảo sát, nông nghiệp...đặc biệt hiện nay tín hiệu đang cung cấp cho các thiết bị bay không người lái (UAV) phục vụ trong nông nghiệp thông minh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long và khu vực đồng bằng Bắc Bộ.

Hệ thống trạm định vị vệ tinh quốc gia bao gồm 65 trạm GNSS CORS, trong đó, bao gồm: 24 trạm Geodetic CORS được bố trí trên phạm vi toàn quốc với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 150÷200 km và 41 trạm NRTK CORS được bố trí tại 3 khu vực, đó là: Đồng bằng Bắc Bộ và khu vực Thanh Hóa; khu vực miền Trung và Tây Nguyên; khu vực Nam Bộ với khoảng cách trung bình giữa các trạm từ 50 - 80km.

Dữ liệu từ 65 trạm GNSS CORS được truyền trực tiếp qua mạng Internet về Trạm xử lý và Điều khiển Trung tâm tại Hà Nội để xử lý tính toán và cung cấp cho người sử dụng qua mạng Internet theo thời gian thực.

Tính đến nay, qua theo dõi số lượng tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ ngày một tăng, đến nay, đã có tổng số hơn 1450 tài khoản được đăng ký thành công. Các địa phương hiện đang ứng dụng dịch vụ của mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia nhiều nhất phải kể đến, như: Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, TP. Hồ Chí Minh…

Ngoài việc ứng dụng trong công tác đo đạc và bản đồ, mạng lưới VNGEONET còn ứng dụng trong việc tính toán, xác định tốc độ chuyển dịch bề mặt kiến tạo mảng cũng như tốc độ trồi, lún của mặt đất đạt độ chính xác cao cỡ mm. Từ đó đưa ra những cảnh báo cũng như giải pháp để khắc phục kịp thời.

Thủy Nguyễn

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục