,

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo lần thứ 2 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản

Sáng 29/9, tại Lâm Đồng, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội thảo lần thứ 2 lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo. Đồng chủ trì Hội thảo với Thứ trưởng có Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản.

 

img_0503.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo

Dự Hội thảo, có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S; đại diện Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội; đại diện các Bộ: Tài chính, Công thường; Sở TN&MT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phía Nam và Tây Nguyên; các Tập đoàn, công ty; các đơn vị thuộc Bộ TN&MT.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Ngày 10/2/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị và đảm bảo phù hợp với thực tiễn và các yêu cầu trong quản lý nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản trong tình hình mới; thực hiện Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 9/2/2023 của Chính phủ “Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 1 năm 2023”, Bộ TN&MT đã xây dựng Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản.

img_0520.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu tại Hội thảo

Dự thảo Luật gồm 132 Điều và được bố cục thành 13 Chương. Về cơ bản, Dự thảo Luật tiếp tục duy trì các chính sách đã có trong Luật 2010, cập nhật bổ sung một số chính sách mới; đặc biệt Luật sẽ giải quyết những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong thực tiễn.

Theo Thứ trưởng Trần Quý Kiên, thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị, phạm vi, đối tượng dự kiến đưa vào Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản rất rộng. Qua thực tế, vấn đề điều tra cơ bản địa chất, điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản là nội dung cũng cần được quy định rõ, để các cấp, đặc biệt là các cấp quản lý ở các địa phương, UBND cấp tỉnh có điều kiện bố trí thực hiện các công việc theo quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng cần quan tâm đến vấn đề sử dụng kinh phí sự nghiệp để tiến hành điều tra, đánh giá, thăm dò, cũng như tổ chức thực hiện các công việc thuộc phạm vi thẩm quyền phân cấp của Luật Khoáng sản 2010 và dự thảo Luật để tiến hành hoạt động đấu giá quyền khai thác khoáng sản, cấp phép, thanh tra kiểm tra, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả nguồn lực của đất nước.

img_0546.jpg

Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Nguyễn Trường Giang đồng chủ trì hội thảo

Thứ trưởng cho biết: “Trong dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có những quy định có tính chất khung, định hướng để giành quyền chủ động cho chính quyền UBND các cấp, đặc biệt vấn đề tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư, nơi có khoáng sản được khai thác, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, người dân nơi có khoáng sản được khai thác đã được đề cập sâu hơn trong Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản”.

Thứ trưởng nhấn mạnh, việc hoàn thiện Luật Địa chất và Khoáng sản là công việc trọng tâm trong năm 2024 của Bộ TN&MT, cùng với Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Thứ trưởng mong rằng năm 2024, cùng với Luật Địa chất và Khoáng sản, những bộ luật quan trọng nhất của lĩnh vực tài nguyên và môi trường sẽ có các điều kiện đồng bộ để thực sự đưa pháp luật vào cuộc sống, góp phần quan trọng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập hiện nay.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết: Lâm Đồng là địa phương giàu tiềm năng rừng và khoáng sản, hiện nay tỉnh có nhiều khoáng sản, trong đó bauxit có trữ lượng lớn nhất. Ngoài ra, Lâm Đồng là một trong những địa phương phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh trong các lĩnh vực nông nghiệp, tài nguyên, lâm nghiệp và du lịch, trong đó có du lịch canh nông. Tỉnh cũng quan tâm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên khoáng sản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, trong đó công nghệ khai thác, chế biến hết sức quan trọng, vừa bảo đảm hiệu quả kinh tế, vừa bảo vệ cảnh quan, môi trường.

Theo ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản có Chương quan trọng về điều tra cơ bản địa chất, cũng như quản lý khai thác chế biến sâu. Đây là 2 nội dung tỉnh Lâm Đồng rất quan tâm, vì vậy ông mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ trao đổi, thảo luận về những nội dung này, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến để Bộ TN&MT tiếp thu và hoàn thiện dự thảo Luật.

img_0527.jpg

Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam Mai Thế Toản báo cáo tại cuộc họp

Báo cáo tại Hội thảo, ông Mai Thế Toản, Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, bảo đảm minh bạch; khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trên thực tế; đồng bộ so với các luật khác có liên quan; phù hợp các điều ước, cam kết quốc tế; tiếp cận phương pháp quản trị hiện đại của các nước.

Đến nay, Bộ TN&MT đã hoàn thành Dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản lần 1 và đã gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan, đồng thời đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử của Chính phủ, của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã nhận được hơn 70 ý kiến góp ý của các Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, doanh nghiệp và cá nhân.

img_0535.jpg

Quang cảnh Hội thảo

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Bộ TN&MT tổ chức Hội thảo lần thứ 2 để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức khu vực phía Nam. Phó Cục trưởng Mai Thế Toản mong rằng các đại biểu tham dự Hội thảo sẽ đóng góp ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở để Bộ TN&MT sớm hoàn thiện dự thảo Luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã có các bài tham luận và nhiều ý kiến thảo luận cho những nội dung cụ thể của Luật Địa chất và Khoáng sản.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục