,

Khai thác cát ngoài khơi - Phát triển kinh tế bền vững

Hiện nay, nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng đang tăng lên rất cao, gây ra tình trạng khan hiếm vật liệu san lấp, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình. Để khắc phục tình trạng này, khai thác cát ngoài khơi là giải pháp tối ưu giúp phát triển kinh tế bền vững và giảm tác động tiêu cực đến môi trường.

 

Tiềm năng cát biển ngoài khơi

Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng thủy lợi chống xói lở bờ sông - bờ biển.

Điều đó đã dẫn đến nhu cầu về vật liệu xây dựng nói chung và nhu cầu cát san lấp, cát xây dựng nói riêng tăng lên rất cao. Một số vùng đã xảy ra khan hiếm vật liệu san lấp, gây ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng xây dựng công trình, đặc biệt là vùng đồng bằng Sông Cửu Long và một số vùng kinh tế ven biển.

Trong bối cảnh nhiều dự án kết cấu hạ tầng gặp vướng mắc về nguồn cung vật liệu cát để san lấp, đắp nền, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đưa ra các giải pháp khả thi nhằm sớm giải quyết vấn đề cấp bách này.

Trước tình hình đó, Bộ TN&MT cùng các Bộ ngành liên quan đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, như: tăng công suất khai thác cát sông lên 150% và hơn nữa; đánh giá tài nguyên và thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp nền đường cao tốc; phát triển cát nhân tạo (cát nghiền từ đá, chất thải rắn từ khai thác mỏ); nghiên cứu xây dựng cầu cạn ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long để giảm sử dụng vật liệu san lấp…

Cát sông đang trở nên khan hiếm

Trong đó, việc đánh giá tài nguyên và nghiên cứu khả năng sử dụng cát biển đã được Cục Địa chất Việt Nam triển khai trong năm 2023 và thu được nhiều kết quả khả quan. Bộ Giao thông vận tải đã thí điểm sử dụng cát biển vùng biển Trà Vinh - Sóc Trăng san lấp nền đường cao tốc, kết quả cho thấy cát biển cơ bản đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Địa chất và Khoáng sản Biển, Cục Địa chất Việt Nam cho biết: Tiềm năng cát biển ngoài khơi ở Việt Nam vô cùng lớn nhưng chưa được đánh giá toàn diện. Bên cạnh những thuận lợi như: sự thống nhất về chủ trương của Đảng và Chính phủ, sự sẵn sàng của các doanh nghiệp và hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác quốc tế, hiện Việt Nam còn thiếu cơ sở pháp lý hướng dẫn khai thác và bảo vệ môi trường; hiện trạng năng lực chưa đảm bảo; truyền thông còn hạn chế…

Để giải quyết những thách thức trên, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp cận, chuyển giao công nghệ khai thác cát ngoài khơi; công nghệ xử lý tuyển rửa cát biển làm vật liệu xây dựng; xây dựng quy định đánh giá tác động khai thác cát biển đến môi trường phù hợp quy định quốc tế; hoàn thiện và ban hành quy định quản lý về thăm dò, khai thác, sử dụng cát biển; đẩy mạnh điều tra, đánh giá và khai thác tài nguyên cát biển ngoài khơi (lớn hơn 20m nước); đẩy mạnh truyền thông về sử dụng cát biển và bảo vệ môi trường; tăng cường hợp tác quốc tế.

Sử dụng cát ngoài khơi - giải pháp tối ưu

Trước những đề xuất trên, có thể thấy, Việt Nam có nhu cầu cao về tăng trưởng kinh tế và hướng tới phát triển công nghiệp hóa, đô thị hóa, do đó nhu cầu sử dụng cát là vô cùng lớn.

Dẫn chứng cho điều này, ông Sander Carpaij - Giám đốc Chương trình Quốc tế về Nước và Thích ứng Khí hậu, Chủ nhiệm Ban Hợp tác Việt Nam - Hà Lan về đồng bằng, Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý Tài nguyên Nước Hà Lan cho biết, nhu cầu cát xây dựng sẽ tăng 200-250 triệu m3 trong năm 2030, trung bình một năm cần 525-575 triệu m3 cát san lấp và Việt Nam quyết tâm trở thành quốc gia mạnh về hàng hải vào năm 2030, cùng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng làm tăng nhu cầu cát bảo vệ bờ biển.

Có thể thấy, các nguồn cát truyền thống trên bờ như cát sông đang trở nên cạn kiệt do khai thác quá mức, và có tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội. Chính sách khai thác cát bền vững cho Việt Nam là nhu cầu cấp thiết và cần có chính sách cho nguồn cát bổ sung một cách bền vững, trong đó sử dụng tài nguyên cát biển là giải pháp thay thế vô cùng khả thi và trọng tâm mà nền kinh tế biển xanh đang hướng tới.

Sà lan vận chuyển cát tại Tiền Giang

Tuy nhiên, việc khai thác cát biển không ảnh hưởng đến hệ sinh thái là vấn đề cần được quan tâm. Về vấn đề này, ông Dirkjan van den Boom - Quản lý khu vực Châu Á, Tập đoàn Boskalis (Hà Lan) cho biết, tác động của nước biển dâng từ bão lũ, các yếu tố khác và việc khai thác cát có những tác động tiêu cực đến môi trường và bờ biển. Chính vì vậy, cần có những điều kiện để giảm thiểu những tác hại đến môi trường biển.

Ông đề xuất, để khai thác cát ngoài khơi, Việt Nam cần trang bị về công nghệ, đưa ra phân tích, khảo sát thực tế cũng như đưa ra yêu cầu khu vực khai thác, kế hoạch vận hành để đảm bảo việc khai thác không ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

Trong bối cảnh Việt Nam khai thác cát có thể làm ảnh hưởng đến đáy biển, thay đổi về hình thái, xáo trộn chất lượng nước, mất sinh vật đáy biển, giảm năng suất của sinh thái cũng như làm giảm nguồn lợi thủy sản, Việt Nam cần thận trọng trong triển khai hoạt động khai thác cát ngoài khơi.

Theo ông Dirkjan van den Boom, Việt Nam cần đưa ra các kịch bản khác nhau trong tương lai, hậu quả đến đường bờ biển như thế nào, hệ sinh thái ra sao,… Trên cơ sở đó đánh giá tác động đến đường bờ biển, các hành động và nhu cầu để giảm thiểu ảnh hưởng của việc khai thác cát đến hệ sinh thái biển.

Cũng đề xuất giải pháp khai thác cát ngoài khơi bền vững, ông Michiel van der Ruijt - Quản lý khu vực, Tập đoàn Van Oord (Hà Lan) cho rằng, nên có những biện pháp giảm thiểu khả năng gây xói lở, sụt lút ven bờ biển bằng cách dựa vào tự nhiên và tận dụng nguồn lực từ thiên nhiên để có thể giải quyết các tác nhân dọc bờ biển như sử dụng cát xây dựng vùng kè tránh xói lở vùng bờ.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục