,

Dự án đường sắt cao tốc: Khẳng định lợi ích chiến lược

Thảo luận về Dự án đường sắt cao tốc, bên cạnh những ý kiến băn khoăn, lo lắng về khả năng tài chính, thu hồi vốn... nhiều đại biểu cho rằng, việc xây dựng là cần thiết, phù hợp với quy hoạch phát triển GTVT, đáp ứng nhu cầu đi lại cho tương lai.

Ngày 8/6, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ ngày 21/5 vừa qua.

Trước đó, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã có Báo cáo giải trình tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội xung quanh dự án này.

Để giao thông sập xệ là có lỗi với mai sau

Khẳng định dự án sẽ phát huy hiệu quả to lớn khi đi vào sử dụng, đặc biệt khi nước ta hoàn thành CNH-HĐH đất nước, các đại biểu Vũ Hoàng Hà, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, Lương Phan Cừ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (đại biểu Đăk Nông), Trần Thị Quốc Khánh (đại biểu Hà Nội) đều nhất trí với chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, với từng đoạn tuyến cụ thể như Hà Nội – Vinh, TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang để vừa làm vừa rút kinh nghiệm từ thực tiễn.

Đại biểu Nguyễn Văn Nhượng (Quảng Bình) cho rằng, đây là dự án lớn được dự tính không chỉ cho trước mắt mà còn cho tương lai lâu dài. Theo đại biểu, dự án sẽ khắc phục được những bất cập về vận chuyển hành khách, tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kinh tế, phù hợp với chiến lược giao thông và địa hình nước ta. Do đó, hiệu quả lan tỏa sẽ rất lớn so với hiệu quả thu hồi vốn đầu tư.

“Kiến nghị Quốc hội sớm quyết định chủ trương đầu tư ngay từ bây giờ để có thời gian chuẩn bị chu đáo, nếu chậm sẽ mất thời cơ”, đại biểu Nguyễn Văn Nhượng phát biểu.

Ủng hộ mạnh mẽ chủ trương này, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đăng Trừng thiết tha Quốc hội sớm thông qua chủ trương đầu tư dự án. Theo đại biểu, việc xây dựng hạ tầng giao thông vận tải có tính quyết định đối với phát triển kinh tế. Vì thế, ta chọn phương án xây dựng hệ thống giao thông hiện đại ngay bây giờ là hợp lý.

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng cũng trấn an các lo lắng về việc thu xếp tài chính cho dự án bởi việc trả nợ của Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, nợ nước ngoài của ta vẫn an toàn. Chúng ta phải coi việc xây dựng đường sắt cao tốc là cơ hội để đầu tư phát triển.

“Việc Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc hôm nay sẽ đem lại lợi ích chiến lược sau này”, đại biểu Nguyễn Đăng Trừng quả quyết.

Cùng chung quan điểm nhất trí chủ trương đầu tư, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) kiến nghị, cần triển khai phương án công – tư kết hợp để huy động thêm nguồn vốn, đồng thời làm từng đoạn ngắn để rút kinh nghiệm. “Mọi dự án đều có những lời hay ý đẹp nhưng khi thực hiện là cả một vấn đề. Nếu Quốc hội thông qua thì đề nghị giám sát chặt chẽ, căn cơ”, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào nói.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh cho rằng, dân số nước ta tới đây sẽ tăng lên 100 triệu, nhu cầu đi lại sẽ gia tăng tương ứng.

“Nếu đầu tư lãng phí  thì có tội với dân, nhưng để giao thông sập xệ như hiện nay, mỗi năm làm chết và bị thương hàng chục ngàn người thì cũng có lỗi với thế hệ mai sau. Nếu cách đây 20 năm mà đầu tư cho điện thì đâu đến nỗi thiếu điện như bây giờ”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng ví von.

Kiến nghị làm rõ những băn khoăn

Góp ý xây dựng với chủ trương đầu tư xây dựng đường cao tốc, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục làm rõ một số vấn đề như hiệu quả đầu tư, khả năng thu hồi vốn…

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn, việc phải thu xếp một số vốn lớn như vậy có ảnh hưởng đến các dự án cấp thiết của các ngành khác như nông nghiệp, điện lực...

Đại biểu Trần Tiến Cảnh (Hà Nam) lại cho rằng, đây là “siêu dự án”, do đó Chính phủ cần có nghiên cứu, đánh giá những rủi ro khi xây dựng tuyến để có giải pháp khắc phục.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Đặng Như Lợi kiến nghị Quốc hội cần thành lập Hội đồng thẩm tra, đánh giá kỹ chủ trương này với sự tham gia của các Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức kinh tế, cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học... để có cái nhìn thấu đáo, khách quan hơn.

Tán thành ý kiến trên, đại biểu Đào Xuân Nay (Bình Thuận) cho rằng đầu tư hôm nay sẽ làm lợi sau này cho nhân dân chứ không chỉ là lợi riêng cho ngành đường sắt. Vì thế, đã xác định chủ trương đầu tư là phải kiên quyết thực hiện.

Bên cạnh đó, các đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), Phan Xuân Dũng (đại biểu Thừa Thiên - Huế), Trần Hữu Phước (đại biểu Bến Tre) tán thành những giải trình trong báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, vẫn còn một số băn khoăn, đề nghị Chính phủ giải trình thêm để có căn cứ thuyết phục, giải đáp những vấn đề cử tri quan tâm.

Đó là, Chính phủ có khẳng định việc xây dựng đường sắt cao tốc có thực sự hiệu quả hơn so với phương án nâng cấp đường sắt lên tốc độ 200km/h, vừa vận chuyển khách, vừa chở người. Bởi nếu xây dựng đường sắt cao tốc thì giá vé rất cao, chưa phục vụ được đa số người dân lao động, đối tượng thụ hưởng rất ít.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh, đây là dự án quan trọng có tầm chiến lược. Vì thế, các ý kiến ủng hộ hoặc băn khoăn, lo lắng đều thể hiện sự tâm huyết, tinh thần xây dựng của các đại biểu Quốc hội.

Vì thế, Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm làm rõ các trăn trở, lo lắng và tiếp thu các ý kiến xác đáng để đưa vào dự thảo Nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh, xin ý kiến đại biểu Quốc hội trước khi thông qua.

VGP News

Tin cùng chuyên mục