,

Xây dựng cơ sở dữ liệu: Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai được các địa phương tập trung thực hiện, ứng dụng vào thực tiễn, đem lại nhiều lợi ích thiết thực.

 

Số hoá bản đồ hiện trạng sử dụng đất

Tại Hưng Yên, để xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: Kết nối với trục liên thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường kết nối cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên với cơ sở dữ liệu dân cư; triển khai các dịch vụ công lĩnh vực đất đai; số hoá hồ sơ đất đai; cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh; số hoá trong quản lý thông tin người sử dụng đất.

Hiện nay, Văn phòng Đăng ký đất đai đã và đang chủ động thực hiện nhiệm vụ quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Văn phòng đang từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai tập trung - kết nối - liên thông giữa cấp tỉnh với cấp huyện. Cán bộ quản lý có thể tra cứu, cập nhật thường xuyên và cung cấp thông tin cho các đối tượng sử dụng. Từng bước hình thành hệ thống đăng ký đất đai hiện đại, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý đất đai, rút ngắn thời gian hoàn thiện các thủ tục xuống từ 25 đến 50% tổng thời gian. Nổi bật như việc sử dụng phần mềm VILIS (Vietnam Land Information System) giúp quét, lưu trữ hồ sơ trong cơ sở dữ liệu địa chính, luân chuyển hồ sơ dạng số khi thực hiện các thủ tục hành chính về đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền. Nhờ đó, khối lượng công việc của các bộ phận giảm bớt từ 50 đến 70%.

Với việc ứng dụng công nghệ số hồ sơ được số hóa có thể luân chuyển ngay tới cơ quan để trình, phê duyệt, thời gian giải quyết được rút ngắn và liên tục. Người dân có thể chủ động kiểm tra kết quả giải quyết thủ tục hành chính bằng mã số hồ sơ được cấp. Việc hoàn thiện các thủ tục về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân giảm từ 3 đến 5 ngày.

Các phòng, đơn vị chuyên môn của Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên thực hiện nhiệm vụ số hóa phục vụ tái sử dụng kết quả hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính có liên quan đến thông tin, giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính về đất đai. Đồng thời nghiêm túc trong quá trình cập nhật, làm sạch cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh, duy trì kết nối cơ sở dữ liệu đất đai với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh được duy trì vận hành từ năm 2014, được cập nhật, chỉnh lý thường xuyên theo nội dung đăng ký biến động đất đai của người sử dụng đất. Hằng năm có khoảng hơn 40 nghìn lượt hồ sơ đăng ký biến động đất đai được cập nhật, chỉnh lý, chuẩn hóa vào cơ sở dữ liệu đất đai. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện kết nối với trục liên thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường, kết nối cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Hưng Yên với cơ sở dữ liệu dân cư; thực hiện số hóa hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính. Đến nay, việc số hóa hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đăng ký và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong tỉnh đã thực hiện được 40.311 hồ sơ. Việc tiếp nhận và xử lý trực tuyến đối với dịch vụ công thiết yếu về đất đai trong toàn tỉnh đạt 20.892 hồ sơ.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Đức Kiền cho biết: Thời gian tới, Sở tích cực triển khai kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu trong cơ sở dữ liệu đất đai ở địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia và các bộ, ngành, thực hiện duy trì kết nối liên thông thủ tục hành chính để tạo thuận lợi, phục vụ thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Tổ chức làm sạch dữ liệu đất đai theo chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường; hoàn thiện, triển khai thực hiện đề án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; hoàn thiện bộ thủ tục hành chính về đất đai; tăng cường quản lý thông tin người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Số hóa hồ sơ đất đai tại Hưng Yên. Ảnh: Theo báo Hưng Yên

Nâng cao hiệu quả quản lý

Tại Thanh Hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai tại huyện Triệu Sơn.

Huyện đã chủ động triển khai công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu tại Dự án “Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thanh Hóa” theo Quyết định số 4013/QĐ-UBND ngày 11/12/2008 của UBND tỉnh và được điều chỉnh theo Quyết định số 2451/QĐ-UBND, ngày 2/8/2012 của UBND tỉnh. Sở Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết cho từng đơn vị xã, thị trấn được lựa chọn thực hiện.

Để việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính ở các xã, thị trấn đạt hiệu quả cao, huyện đã chỉ đạo các địa phương, phòng chuyên môn căn cứ vào bản đồ địa chính đang sử dụng, các văn bản pháp quy có liên quan về địa giới hành chính xác định khu vực cần chỉnh lý. Cùng với đó, trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phối hợp với chính quyền địa phương đề nghị người sử dụng đất cung cấp các giấy tờ liên quan đến thửa đất cùng người sử dụng đất lân cận xác định ranh giới đất. Kết quả đến năm 2015, 100% xã, thị trấn trong toàn huyện đã hoàn thành việc đo đạc, lập hồ sơ địa chính và tiến hành cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ cho các hộ gia đình.

Đồng thời, trong quá trình thực hiện mục tiêu mà Dự án “Tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Thanh Hóa” đề ra, huyện luôn gắn công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ địa chính với việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong nhiệm vụ này, huyện yêu cầu các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về Luật Đất đai để người sử dụng đất hiểu và thực hiện đúng trách nhiệm đăng ký đất đai. Song song đó, tổ chức các đợt cao điểm, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng đơn vị triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ ở mỗi địa phương. Qua thống kê, đến nay, số lượng giấy chứng nhận QSDĐ cấp trong toàn huyện đã đạt tỷ lệ 93,09% với tổng số 117.149 giấy. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện cấp được 6.806 giấy chứng nhận QSDĐ; trong đó cấp lần đầu 925 giấy chứng nhận, vượt 0,4% kế hoạch. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện cấp được 312 giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu với diện tích đã cấp là 15,24ha.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục