,

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, khí hậu

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, cực đoan, Tổng cục Khí tượng thủy văn cùng các đơn vị dự báo trực thuộc Tổng cục đã thực hiện theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, thuỷ văn, hải văn trên phạm vi cả nước, theo dõi, cảnh báo, dự báo sớm các đợt thiên tai. Riêng năm 2023, toàn ngành khí tượng thủy văn cung cấp tổng cộng 72.000 bản tin, trong đó có hơn 25.266 bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai; 47.598 bản tin khí tượng thủy văn bình thường.

 

Tăng cường các bản tin cảnh báo, dự báo

Hiện tượng El Nino tác động đến Việt Nam trong năm 2023 – 2024 đã khiến thời tiết có nhiều biến động mạnh, thiết lập nhiều kỷ lục về nhiệt độ và lượng mưa. Theo ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong năm 2023, số lượng bão/áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông ít hơn trung bình nhiều năm (TBNN). Cả nước ghi nhận tới 20 đợt nắng nóng (nhiều nhất tính từ năm 2017 và nhiều hơn 5 đợt so với TBNN). Trong đó, giá trị nhiệt độ ngày kỷ lục ghi nhận được là 44,2°C tại Tương Dương (Nghệ An) ngày 7/5.

Năm 2023 cũng đã ghi nhận nhiều nơi xảy ra các giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng lớn nhất, vượt giá trị lịch sử quan trắc được so sánh với cùng thời kỳ như ở Hà Nội, Đà Nẵng, Kiên Giang. Về thủy văn, mực nước nhiều hồ chứa thủy điện lớn khu vực Bắc Bộ cuối tháng 5/2023 đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Trong khi đó, các sông từ Quảng Bình – Ninh Thuận lại xuất hiện lũ lớn.

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn kéo dài, mưa lớn cục bộ, đã gây ra lũ quét, sạt lở đất trên phạm vi 35 tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ và Tây Nguyên.

Trong 2023, toàn ngành khí tượng thủy văn đã triển khai dự báo phục vụ cho 5 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 21 đợt không khí lạnh; 20 đợt nắng nóng diện rộng; 21 đợt mưa lớn trên diện rộng;13 đợt lũ; 28 đợt lũ quét, sạt lở đất với trên 100 vị trí xảy ra trên phạm vi 35 tỉnh/thành phố.

Thông tin dự báo, cảnh báo được gửi tới Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan thông tấn, báo chí để truyền tải sớm nhất cho nhân dân các địa phương, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Cán bộ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ tác nghiệp theo dõi, giám sát và dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn

Theo ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, trong thời gian qua, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chỉ đạo Tổng cục KTTV và các đơn vị trực thuộc Bộ triển khai nhiều nhiệm vụ nhằm phục vụ tốt công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, đảm bảo yêu cầu dự báo sớm, kịp thời, tin cậy diễn biến thiên tai nhất là các loại hình thiên tai thường xuyên diễn ra gây thiệt hại lớn như bão, lũ, ngập lụt hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, tiến tới dự báo tác động của thiên tai.

Theo ông Cường, thời hạn dự báo thời tiết, cảnh báo sớm thiên tai đã được mở rộng tới 10 ngày, nội dung và hình thức bản tin đã có nhiều thay đổi, tập trung cung cấp các thông tin dự báo ở quy mô nhỏ hơn (cấp huyện, cấp xã) và thời gian dài hơn. Các sản phẩm dự báo mùa đã được mở rộng hạn dự báo, hàng năm đã có bản tin nhận định thiên tai năm.

Đối với bão, áp thấp nhiệt đới đã nâng dự báo lên 3 ngày, cảnh báo 5 ngày; dự báo, cảnh báo mưa lớn trước 2-3 ngày, cảnh báo dông sét trước từ 30 phút đến 2-3 giờ. Các đợt rét đậm, rét hại được cảnh báo trước 5-7 ngày, dự báo trước 2-3 ngày.

Dự báo thời tiết biển đã có những đổi mới vượt bậc do tiếp thu các công nghệ mới của nước ngoài. Độ phân giải cho mô hình dự báo sóng đã được chi tiết đến 4 km và dự báo sóng với hạn dự báo đến 10 ngày.

Không chỉ tăng hạn dự báo mà thời điểm phát tin cũng sớm hơn. Thời điểm ban hành các bản tin bão hiện nay cũng sớm hơn trước đây từ 30 phút đến 1 giờ. Các bản tin thiên tai khác như nắng nóng, không khí lạnh, mưa lớn đều được ban hành sớm hơn 30 phút so với trước đây

Ngành KTTV cũng đã áp dụng đa dạng các hình thức thông tin, truyền tin phù hợp với từng đối tượng, điều kiện cụ thể của địa phương, đảm bảo cung cấp nhanh chóng, kịp thời thông tin cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân khu vực bị ảnh hưởng. Đồng thời, chủ động giám sát, đánh giá và giải quyết hậu quả sự cố môi trường biển, sự cố tràn dầu khi có tình huống xảy ra; xử lý ô nhiễm môi trường sau thiên tai.

Các cán bộ khí tượng thủy văn cũng đang tích cực triển khai thực hiện một số chương trình lớn của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai. Trong đó, đặc biệt chú trọng các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

Chủ động phòng chống thiên tai

Năm 2024 sẽ tiếp tục là một năm được dự báo sẽ xảy ra nhiều hiện tượng cực đoan, dị thường. Ngay từ đầu năm đã xuất hiện đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3/2024, với nền nhiệt thấp ở đồng bằng Bắc Bộ dưới 150C độ và vùng núi dưới 130C. Nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.

Ông Hoàng Đức Cường khẳng định, với tinh thần trách nhiệm cao, các cơ quan khí tượng thủy văn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến thời tiết, thủy văn, hải văn; cảnh báo và dự báo kịp thời các hiện tượng thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm trên phạm vi cả nước; cung cấp kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết, thủy văn, hải văn nguy hiểm cho các cơ quan liên quan.

Hạn hán ở Nam Bộ diễn biến phức tạp trong năm 2024

Các đơn vị, đặc biệt tại các trạm KTTV vùng núi và hải đảo, vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai bão, lũ… chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai; đảm bảo an toàn về người, phương tiện, thiết bị, máy móc và công trình nhà cửa, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại và kịp thời khắc phục hậu quả, sự cố do thiên tai gây ra đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.

Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến kiến thức về khí tượng thủy văn, đặc biệt là các hiện tượng KTTV nguy hiểm cũng sẽ được tăng cường, góp phần nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của công tác PCTT. “Mọi hoạt động phòng, chống thiên tai phải bảo đảm toàn diện, tuyệt đối các yêu cầu về mục tiêu, nội dung công việc theo Khẩu hiệu hành động của ngành Khí tượng thủy văn: “Thống nhất - Chính xác - Liên tục - Tin cậy - Kịp thời”” – Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường khẳng định.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục