,

Chiêm Hóa phát triển các sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao

Ngày 9-11, đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Chiêm Hóa về việc triển khai thực hiện các đề án, kế hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Dự buổi làm việc có lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương.

Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Thực hiện các đề án, kế hoạch của tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư, phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với công nghiệp chế biến theo hình thức liên kết chuỗi giá trị bền vững. Huyện đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung với trên 660 ha cam, 277 ha bưởi, trên 1.000 ha chuối tây, trên 1.400 ha lạc, gỗ rừng trồng; tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn đạt trên 1,6 triệu con. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2021 – 2025, hiện trên địa bàn huyện đã có 12 sản phẩm đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 4 sao; có 4 sản phẩm tham gia đánh giá phân hạng đã đăng ký nhãn hiệu, 1 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị sử dụng địa danh, đăng ký nhãn hiệu; đã có 7 doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp...

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đề nghị, huyện cần triển khai đồng bộ các giải pháp để tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. Trong đó, xây dựng phương án tổ chức, cơ cấu lại lại sản xuất để phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá và ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn.

Huyện tập trung phát triển các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao, trọng tâm là các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản có giá trị kinh tế và thu nhập cao như cam, lạc, chuối, con trâu, cá đặc sản... Đồng thời, phát triển vùng trồng cây nguyên liệu (mía, gỗ rừng trồng) gắn với các cơ sở, doanh nghiệp và các nhà máy chế biến các sản phẩm nông sản, từng bước xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp của huyện; tập trung phát triển giống trâu, khôi phục, phát triển thương hiệu Trâu Chiêm Hóa; phát triển một số vật nuôi bản địa, đặc sản có thế mạnh của địa phương.

Huyện cần chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng bằng các giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, các cây trồng lâm nghiệp bản địa có hiệu quả kinh tế cao, phát triển mở rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn có chứng chỉ FSC, đáp ứng nhu cầu chế biến, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu...

Theo: https://baotuyenquang.com.vn/

Tin cùng chuyên mục