,

Thành phố Tuyên Quang: Xây dựng "vành đai xanh" - nông, lâm nghiệp

Cùng với việc tập trung phát triển thương mại - dịch vụ thì việc quy hoạch phát triển vùng chuyên canh hàng hóa cũng đã và đang được thành phố Tuyên Quang triển khai thực hiện. Theo quy hoạch, các xã, phường có điều kiện đất đai, nước... thuận lợi, cách xa trung tâm thành phố sẽ tạo thành “vành đai xanh nông, lâm nghiệp” bao quanh thành phố. Phát triển cây công nghiệp Xác định chè là cây công nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế, trong những năm qua, thành phố đã phát triển được trên 500 ha chè tập trung chủ yếu ở các xã phía nam là An Tường, Lưỡng Vượng, Thái Long và Đội Cấn. Năng suất chè bình quân đạt 94 tạ/ha, sản lượng gần 5.000 tấn. Hiện thành phố tiếp tục rà soát, quy hoạch, cải tạo diện tích chè già cỗi, đưa các giống chè mới có năng suất và chất lượng cao trồng thử nghiệm như các giống chè lai, chè Bát Tiên... Tập trung đầu tư chăm sóc, thâm canh để nâng cao năng suất, chú ý từ khâu thu hái, đốn chè đúng với thời vụ, đúng kỹ thuật. Tạo điều kiện cho các hộ trồng chè được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi để đầu tư thâm canh chè. Thực hiện tốt mối liên kết 4 nhà để phát triển nguồn nguyên liệu bền vững.

Cây mía cũng đang phát triển mạnh tại xã Đội Cấn. Những năm trước đây, diện tích cây mía trồng trên địa bàn xã Đội Cấn còn ít bà con chưa chú trọng đầu tư cây giống, khai thác tiềm năng đất đai để phát triển. Năm 2011, xã đã ký hợp đồng với Công ty cổ phần mía đường Sơn Dương đưa cây mía vào trồng trên diện rộng, tạo thành vùng cung ứng nguyên liệu cho nhà máy. Anh Phan Văn Đức, Chủ nhiệm HTX Nông lâm nghiệp Đội Cấn cho biết, HTX cùng với UBND xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con tích cực chuyển đổi cơ cấu, tìm cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu của địa phương, cho hiệu quả cao, góp phần nâng cao đời sống. Đến nay, sau 1 vụ trồng, cây mía trên đất này đã cho thu hoạch, năng suất ước đạt gần 70 tấn/ha. Vụ mía 2011, xã Đội Cấn trồng 58 ha mía, thu được gần 3.500 tấn mía, giá trị khoảng 3,5 tỷ đồng. Kết quả này cho thấy, cây mía là cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của bà con nhân dân nơi đây. Thấy được hiệu quả kinh tế từ cây mía, năm 2012 bà con đã mở rộng thêm 12 ha nâng tổng số diện tích trồng mía lên 70 ha.

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung

Một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung tại các xã An Khang, Hưng Thành, Ỷ La, Tân Hà đã hình thành và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông Phan Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trên cơ sở định hướng quy hoạch chung của thành phố, xã dành 150 ha (67% tổng diện tích) quy hoạch vùng chuyên sản xuất lúa năng suất cao. Hướng tới mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng thu nhập cho nông dân, xã quy hoạch 20 ha chuyên sản xuất lúa chất lượng cao; 30 ha chuyên sản xuất 2 vụ lúa kết hợp 1 vụ màu; 16 ha chuyên trồng màu; 3 ha chuyên nuôi trồng thủy sản; 4 ha phát triển kinh tế trang trại và hơn 1 ha phục vụ việc mở rộng, xây mới đường giao thông, công trình thủy lợi. Trong mục tiêu xây dựng thành phố đạt tiêu chí đô thị loại 2, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm 5% cơ cấu kinh tế nhưng nếu phát huy tốt, thì không chỉ đảm bảo vấn đề an ninh lương thực, cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng trong đô thị, mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn vùng ven.

Từ năm 2008, mô hình trồng rau an toàn ở phường Hưng Thành, Ỷ La, Tân Hà (TP Tuyên Quang) đã tạo việc làm và nâng cao đời sống cho nhiều hộ gia đình. Ông Nguyễn Ngọc Phú, cơ sở sản xuất rau an toàn Phú Trúc ở phường Hưng Thành cho biết, gia đình ông và 11 hộ gia đình khác của tổ 20 trong phường đã chuyển 2,7 ha diện tích lúa năng suất thấp sang trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap (Tiêu chuẩn an toàn Việt Nam). Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức hướng dẫn quy trình khoa học kỹ thuật trồng rau an toàn, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng. Mỗi ngày, gia đình ông Phú cung cấp cho thị trường từ 100 kg đến 200 kg rau các loại, đạt thu nhập hơn 10 triệu đồng/sào/năm.

Để xây dựng vành đai xanh - nông, lâm nghiệp, thành phố đang tiếp tục thực hiện quy hoạch vùng chuyên canh cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2012 - 2015.

Tin cùng chuyên mục