,

Sơn Dương khôi phục sản xuất công nghiệp khai khoáng

Năm 2008, 2009, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới, nhiều công ty, xí nghiệp sản xuất công nghiệp khai khoáng trên địa bàn huyện Sơn Dương rơi vào tình trạng cắt giảm lao động, sản xuất cầm chừng. Song, từ cuối năm 2009 đến nay, cùng với kinh tế cả nước, cả tỉnh, ngành sản xuất công nghiệp khai khoáng huyện Sơn Dương đang được khôi phục và mở rộng sản xuất.

Xí nghiệp Thiếc Bắc Lũng (Công ty cổ phần Kim loại màu Tuyên Quang) những ngày tháng 4 này, không khí lao động diễn ra khẩn trương, nhộn nhịp. Ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc xí nghiệp phấn khởi cho biết, hiện nay anh em công nhân của xí nghiệp đã trở lại làm việc hăng say sau gần 2 năm sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Năm 2009, giá thiếc thỏi giảm từ 24.000 USD/tấn xuống còn 12.000 USD/tấn. Mỏ sa khoáng thì chậm được gia hạn dẫn đến thiếu đất để mở rộng sản xuất. Việc khai thác chủ yếu là tận thu đáy công trường và bãi thải giai đoạn trước; hàm lượng quặng nghèo, phân bố rải rác, chi phí bốc xúc, vận chuyển và chế biến lớn cộng thêm máy móc thiết bị sản xuất cũ, khai thác dưới tầm sâu nên việc tổ chức sản xuất vô cùng khó khăn...

Từ cuối năm 2009 đến nay, cùng với sự phục hồi kinh tế thế giới, giá thiếc đã tăng trở lại và có chiều hướng nhích lên. Xí nghiệp đã đầu tư 5 tỷ đồng mua máy móc thiết bị khai thác như ô tô, máy xúc; đặc biệt được công ty cổ phần kim loại màu đầu tư xây dựng nhà máy tuyển luyện thiếc sâu, tạo thuận lợi cho khai thác sản xuất. Hiện xí nghiệp có 9 tổ sản xuất với 120 lao động chia làm 3 ca. Sản phẩm quý I của  xí nghiệp đạt 12,5 tấn, đạt 26% kế hoạch năm, tăng 30% so cùng kỳ năm ngoái; thu nhập người lao động đạt 2 triệu đồng/người/tháng, tăng 600.000 đồng/người/tháng so với năm 2009. Trong quý II, xí nghiệp phấn đấu sản xuất 15 tấn tinh quặng thiếc tạo việc làm ổn định cho người lao động.

Tại Xí nghiệp Vonfram Thiện Kế, Giám đốc Huyên Kỳ Hoa cho biết, xí nghiệp cũng đang dồn sức phôi phục mở rộng sản xuất. Từ tháng 1-2010, xí nghiệp luôn duy trì 3 xưởng tuyển quặng Vonfram, tạo việc làm thường xuyên cho 120 lao động với thu nhập 1.800.000 đồng/người/tháng. Từ nay đến hết năm, xí nghiệp phấn đấu sản xuất 40 tấn Vonfram theo kế hoạch và đầu tư nâng cao công nghệ khai thác lò, tiến hành thăm dò mỏ để mở rộng sản xuất trong những năm tới. Cùng với việc nâng cao chất lượng sản phẩm, xí nghiệp rất mong các cấp, ngành chức năng quan tâm đến việc phân bổ nguồn mỏ, giúp xí nghiệp mở rộng sản xuất.

Tại cụm công nghiệp Sơn Nam, nhà máy sản xuất Barite của Công ty 27-7 mỗi ngày sản xuất từ 2.000-3.000 tấn bột barite; công việc luôn được 60 lao động duy trì 3 ca, thu nhập bình quân 2,2 triệu đồng/người/tháng. Giám đốc Công ty Bùi Đức Chinh cho biết, năm 2010, Tuyên Quang được phép xuất khẩu 100 nghìn tấn bột barite, riêng công ty được xuất khẩu 30.000 tấn. Đây là động lực để công ty đẩy mạnh sản xuất. Ngay đầu quý I, công ty đã hoàn thành và đưa dây chuyền tuyển luyện quặng vào sử dụng vừa giảm lao động trực tiếp vừa nâng cao chất lượng quặng.

Bên cạnh đó, sản xuất Penspat của Công ty TNHH An Bình và sản xuất Barite của Công ty cổ phần Vân Sơn cũng đã đi vào ổn định. Ông Nguyễn Đức Thanh, Giám đốc Công ty TNHH An Bình cho biết, ngay từ đầu năm, công ty đã nhận được đơn đặt hàng của nhiều đơn vị sản xuất gạch ốp lát và gốm sứ, thủy tinh ngoại tỉnh. Năm  nay công ty phấn đấu đạt doanh thu hơn 60 tỷ đồng. Việc phôi phục sản xuất của các nhà máy khai khoáng trên địa bàn huyện Sơn Dương hứa hẹn một sự phát triển mới.                       

TQĐT

Tin cùng chuyên mục