,

Sơn Dương: Tập trung chăm sóc vụ mùa

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Dương, vụ mùa năm 2012, toàn huyện gieo cấy trên 6.365 ha lúa, trên 449 ha ngô, 72 ha lạc, 26,5 ha đậu tương. Ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 4 trong những ngày vừa qua đã khiến cho 796,5 ha lúa của huyện ngập úng. Trong đó diện tích bị thiệt hại không thể khắc phục được phải cấy lại là trên 150 ha; diện tích ngô bị đổ rạp, ngập úng là 91,6 ha; diện tích ao, hồ cá bị tràn bờ là 36,1 ha, 5 km kênh tưới bị bồi lấp, 10 m kênh tưới bê tông bị vỡ. Các xã bị thiệt hại nặng nhất là Cấp Tiến, Vĩnh Lợi, Quyết Thắng... Để khắc phục hậu quả, UBND huyện Sơn Dương đã chỉ đạo cho các địa phương thực hiện thống kê diện tích và mức độ thiệt hại; chuẩn bị lượng giống dự phòng để cung ứng cho các địa phương; cử cán bộ chuyên môn trực tiếp xuống nơi bị thiệt hại hướng dẫn bà con nhân dân các biện pháp kỹ thuật khắc phục hậu quả. Đến nay, nhiều diện tích bị ngập úng nhẹ đã hồi xanh trở lại.

Cấp Tiến là một trong những xã bị ảnh hưởng nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua. Ông Nguyễn Tiến Lâm, Chủ tịch UBND xã cho biết, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày khiến cho 12 ha lúa của xã bị ngập nước ở cos 25 m. Trong đó, các thôn bị thiệt hại năng nhất là Phú Lương 4,5 ha, Cây Sy

5 ha, Tiến Thắng 2,5 ha. Để khắc phục, xã đã chỉ đạo cho bà con nhân dân thực hiện khơi thông hệ thống mương rãnh thoát nước, hạn chế tình trạng ứ nước cục bộ trên các cánh đồng, áp dụng các biện pháp chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại lúa và các cây hoa màu vụ mùa, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho cây trồng sinh trưởng và phát triển.

Đồng chí Nguyễn Văn Dụng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết, cùng với việc khắc phục hậu quả của thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất vụ mùa, chúng tôi đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật của huyện triển khai nhiều giải pháp khuyến cáo bà con nhân dân tích cực thực hiện chăm sóc vụ mùa như: ngay từ đầu vụ phòng đã lên kế hoạch cụ thể chi tiết đến từng thôn, từng xứ đồng, có kế hoạch cụ thể cả nội dung, tiến độ và công tác tổ chức thực hiện; hướng dẫn nông dân lựa chọn giống lúa phù hợp với từng chân ruộng, xứ đồng và tiểu vùng khí hậu; hướng dẫn các loại sâu bệnh có thể sẽ gặp phải trong từng giai đoạn lúa và cây hoa màu sinh trưởng phát triển; dự tính, dự báo chính xác tình hình sâu bệnh hại, đặc biệt là các loại rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ để bà con chủ động đối phó, phòng trừ kịp thời.

Toàn huyện hiện đang rà soát diện tích cấy lúa đến từng trà, cơ cấu giống lúa đã gieo cấy vụ mùa để bố trí cây trồng vụ đông có hiệu quả. Đến nay, đã có 11 xã đăng ký thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vụ đông năm 2012. UBND huyện chỉ đạo các xã tổng hợp số lượng nhu cầu giống trồng cây vụ đông của bà con nhân dân; quản lý và bố trí hợp lý hệ thống nguồn nước; tổ chức tập huấn kỹ thuật sản xuất vụ đông cho bà con nhân dân xong trước ngày 10-9. Dự kiến, vụ đông năm nay, huyện sẽ thực hiện trồng 2.400 ha ngô, 600 ha đậu tương, 1.200 ha lạc.

Tin cùng chuyên mục