1. Nắng thu vàng trải khắp Tân Trào. Cây đa Tân Trào lịch sử đang hồi sinh mạnh mẽ, vươn chồi non trong nắng. Cách cây đa Tân Trào chừng 50 m là ngôi nhà sàn của ông Nguyễn Tiến Sự, nơi đón Bác Hồ đến ở và làm việc trong những ngày đầu Người từ Pác Bó (Cao Bằng) về Tân Trào (Sơn Dương), lãnh đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong ngôi nhà sàn ấy, chúng tôi được bà Hoàng Thị Mai, con dâu ông Nguyễn Tiến Sự và anh Nguyễn Văn Bế, con bà Mai, cháu nội ông Sự nói về những câu chuyện khi ông Sự còn sống thường kể. Đó là những câu chuyện cảm động về Bác Hồ. Đúng ngày 21-5-1945, ông Sự được giao nhiệm vụ đón đoàn cán bộ về công tác. Đến lúc xẩm tối thì thấy ông cụ mặc áo chàm dân tộc Nùng, đi giày vải đến cổng. Ông cụ cất lời chào hỏi thân mật, mọi người trong gia đình ông Sự vội đáp “Bẩm ngài, không dám”. Ông cụ bảo, không phải bẩm ngài đâu, đều là đồng chí ta cả, đi đánh Tây, đuổi Nhật thôi. Mọi người trong gia đình ông Sự được giới thiệu đó là đồng chí thượng cấp và gọi đồng chí thượng cấp là ông cụ. Ông Sự bố trí một gian nhà để ông cụ và các đồng chí cán bộ làm việc, đến bữa ông cụ ăn cơm cùng gia đình. Bữa cơm đạm bạc, chỉ có cơm độn sắn, măng rừng luộc chấm muối. Ông cụ đã kết nghĩa anh em với ông Sự và gọi nhau là anh em (tiếng Tày là chài và noọng).
Sau hơn 1 tuần ở nhà ông Nguyễn Tiến Sự, để đảm bảo bí mật và tiện làm việc, ông cụ đã chuyển đến ở tại một căn lán nhỏ dưới chân núi Hồng, gần tràn ruộng Nà Nưa, cách nhà ông Sự chừng 1 km. Căn lán nhỏ mái lợp lá gồi, được ngăn thành 2 nửa, một bên là chỗ Bác làm việc có đặt chiếc máy chữ, một bên là chỗ Bác nghỉ ngơi. Trong căn lán này, Bác Hồ đã khởi thảo những văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đây thực sự là đại bản doanh của vị Tổng tư lệnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa. Tại đây, ngày 4-6-1945, Bác Hồ đã triệu tập hội nghị cán bộ quyết định thống nhất chiến khu thành Khu giải phóng, thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân giải phóng. Giữa lúc công việc khẩn trương, Bác Hồ bị ốm nặng, Người đã dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Cũng từ đây, ngày 13 đến 15-8-1945, Bác Hồ đã triệu tập và chủ trì Hội nghị toàn quốc của Đảng, quyết định tổng khởi nghĩa...
Trong không khí khẩn trương, hào hùng, ngày 16-8-1945, Quốc dân Đại hội đã khai mạc tại đình Tân Trào với hơn 60 đại biểu đại diện khắp các miền Bắc, Trung, Nam. Đại hội đã bầu Ủy ban dân tộc giải phóng, thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, quyết định toàn dân đứng lên võ trang khởi nghĩa giành chính quyền. Lệnh Tổng khởi nghĩa được thông qua và ngay chiều 16-8-1945, dưới gốc đa Tân Trào đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc Quân lệnh số 1 và hạ lệnh xuất quân. Quân giải phóng vượt Đèo De (núi Hồng) tiến về giải phóng tỉnh lỵ Thái Nguyên rồi tiến về Hà Nội. Sáng 17-8-1945, Ủy ban dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân và làm lễ tuyên thệ. Bác Hồ thay mặt Ủy ban đọc lời tuyên thệ: “...Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lãnh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, quyết không lùi bước. Xin thề”.
2. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Song, chính quyền cách mạng non trẻ ngay sau đó đứng trước muôn vàn khó khăn thử thách, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và đặc biệt là giặc ngoại xâm.
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp ước sơ bộ 6-3-1946 với Pháp nhằm đẩy lùi chiến tranh nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Tình thế đó buộc chúng ta phải cầm vũ khí đứng lên kháng chiến, bảo vệ chủ quyền đất nước. Ngày 18 và 19-12-1946, Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp khẩn cấp tại Vạn Phúc (Hà Nội), quyết định chủ trương phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên phạm vi cả nước; Thực hiện sách lược “Vườn không nhà trống”, Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân Thủ đô sơ tán trở lại vùng tự do, căn cứ địa cách mạng. Tân Trào, một lần nữa được trao sứ mệnh lịch sử: căn cứ địa cách mạng. Con người và núi rừng Tân Trào, Tuyên Quang lại chở che Bác Hồ, các cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc.
Suốt trong thời kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ có gần 6 năm sống và làm việc tại Sơn Dương, Yên Sơn và hơn 40 bộ, ban, ngành Trung ương đóng trụ sở tại đây. Nơi Bác Hồ ở lâu nhất là lán Hang Bòng từ cuối năm 1949 đến cuối năm 1952. Tại đây, ngày 4-11-1949, Bác Hồ ký Sắc lệnh số 126 đặt nghĩa vụ quân sự, quy định tất cả công dân nam từ 18 đến 45 tuổi phải có 2 năm tại ngũ. Ngày 12-2-1950, Bác Hồ ký Sắc lệnh Tổng động viên, thực hiện mục tiêu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Tháng 6-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì hội nghị Trung ương, quyết định mở Chiến dịch Biên Giới. Tháng 9-1950, từ hang Bòng, Bác Hồ lên đường đi chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới. Sau Chiến dịch Biên Giới thắng lợi, Bác Hồ trở lại hang Bòng, chỉ đạo tổng kết chiến dịch. Cuối tháng 12-1950, Bác Hồ đi thăm Chính phủ kháng chiến Lào, ở thôn Đá Bàn (Yên Sơn). Tháng 5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Từ ngày 22 đến 28-4-1952, Người chủ trì Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 3 (khóa II); nói chuyện tại Hội nghị chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc.
Cuối năm 1953, Bác Hồ chuyển về Kim Quan (Yên Sơn). Tại đây đã diễn ra những sự kiện quan trọng: Cuối năm 1953, Bộ Chính trị quyết định tiếp tục phát động quần chúng giảm tô, giảm tức và thực hiện cải cách ruộng đất. Tháng 4-1954, Bộ Chính trị ra Nghị quyết “Tiếp tục thấu triệt phương châm đánh chắc, đề cao quyết tâm, tích cực giành toàn thắng cho Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Tháng 7-1954, Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa II) bàn về thay đổi nhiệm vụ chiến lược là “Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ”. Từ ATK Kim Quan (Yên Sơn), Bác Hồ theo dõi Chiến dịch Điện Biên Phủ và đấu tranh ngoại giao ở Hội nghị Giơ-ne-vơ. Từ ATK Tân Trào, Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ đã đề ra những chiến lược đặc biệt quan trọng cho cách mạng Việt Nam, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc Pháp phải ký hiệp định Giơ-ne-vơ lập lại hòa bình ở Việt Nam, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến.
Khu Di tích lịch sử Tân Trào, nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Việt Nam hôm nay đang có nhiều đổi thay, diện mạo vùng quê cách mạng đã có nhiều khởi sắc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, người dân quê hương cách mạng Tân Trào vẫn một lòng thủy chung son sắt với Đảng, Bác Hồ, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp, văn minh.