,

UBTVQH thảo luận dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi: Không để thanh tra “mất thiêng”

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng, cán bộ thanh tra phải có quyền xử lý vi phạm, không nên để thanh tra xong lại về xin ý kiến thủ trưởng khiến công tác thanh tra "mất thiêng".

Làm rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thanh tra, việc thành lập thanh tra chuyên ngành... là những vấn đề lớn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung thảo luận đối với dự thảo luật Thanh tra sửa đổi, trong phiên họp sáng 16/4.

Xuất hiện thêm nhiều cấp thanh tra

Theo tờ trình của Chính phủ, sau hơn 6 năm thi hành Luật Thanh tra đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn hoạt động của ngành Thanh tra hiện nay, đáp ứng yêu cầu của quản lý nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, bất cập lớn nhất liên quan đến vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của thanh tra.

“Luật Thanh tra chưa thể hiện rõ cơ quan thanh tra vừa thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, vừa là công cụ hữu hiệu tiến hành thanh tra phục vụ công tác quản lý, điều hành của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước. Mặt khác, trong hoạt động, cơ quan thanh tra chưa phát huy được tính chủ động và tự chịu trách nhiệm khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình”, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền thẳng thắn nhìn nhận.

Qua tổng kết thực tiễn thi hành Luật Thanh tra cho thấy, Luật hiện hành chỉ quy định có thanh tra bộ, thanh tra sở, trong khi đó hiện nay nhiều bộ được giao quản lý đa ngành, đa lĩnh vực thực hiện nhiệm vụ quản lý theo phân cấp, do đó đã xuất hiện thanh tra tổng cục, cục, chi cục. Tuy nhiên, việc tổ chức hoạt động còn nhiều lúng túng vì thiếu thống nhất.

Tăng thẩm quyền cho thanh tra

Quan điểm của Ủy ban Pháp luật cho rằng, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi được thiết kế theo hướng Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật nhận định rằng, vẫn còn mâu thuẫn trong dự thảo Luật bởi đây vừa là cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, đồng thời cơ quan thanh tra các cấp (tỉnh, huyện) lại chịu sự chỉ đạo trực tiếp của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước.

“Mặt khác, thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn liền với hoạt động quản lý nhà nước của một bộ, ngành nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập”, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đặt vấn đề.

Trả lời nội dung này, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền nhấn mạnh, thanh tra là công cụ của cơ quan quản lý nhà nước nên phải phục vụ, chịu sự chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý. Tuy nhiên, cần tạo cho cơ quan thanh tra tính chủ động, kịp thời.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Pháp luật khuyến nghị, nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính chủ động và độc lập rõ nét hơn nữa, đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện về tổ chức và hoạt động của thanh tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên kiến nghị cơ quan thanh tra phải có tính độc lập tương đối để đáp ứng thực tiễn cuộc sống. Muốn vậy, cán bộ thanh tra phải có quyền xử lý vi phạm chứ không nên để thanh tra xong lại về xin ý kiến thủ trưởng sẽ khiến công tác thanh tra " mất thiêng".

Hợp lý hóa việc bố trí các cấp thanh tra

Thực tiễn cho thấy tổ chức, hoạt động, nhiệm vụ của thanh tra chuyên ngành đang được quy định rất khác nhau ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật (trên 30 đạo luật, 8 nghị định, 20 quyết định và 4 thông tư của các Bộ trưởng).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình bày tỏ nhất trí với việc thành lập thanh tra chuyên ngành để “hợp thức hóa” thanh tra chuyên ngành đang hoạt động ở một số cơ quan cấp tổng cục, cục. Tuy nhiên, ông Bình cũng lại đề nghị thanh tra chuyên ngành chỉ tổ chức cấp bộ, cấp tổng cục, cấp sở chứ không nên lập thanh tra chuyên ngành ở chi cục thuộc sở.

Quan điểm của Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng, việc thành lập thanh tra chuyên ngành phải hạn chế tối đa việc làm tăng đầu mối, tạo nhiều tầng nấc chồng chéo trong tổ chức, hoạt động thanh tra.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị có đánh giá cụ thể từ hoạt động của thanh tra chuyên ngành vừa qua. Bên cạnh đó, phải thiết kế “rào chắn” trong luật chứ không để sau này thành lập tràn lan thanh tra chuyên ngành. Việc thành lập thanh tra chuyên ngành tại các tổng cục, cục phải có quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Dự kiến, dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi sẽ được đưa ra Quốc hội thảo luận lần đầu tại Kỳ họp lần thứ 7 tới đây.

VGP News

Tin cùng chuyên mục